Cảnh báo tình trạng mua bán ngà voi tại các làng nghề

Liên tiếp trong thời gian qua, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã điều tra làm rõ nhiều vụ án liên quan đến hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Đây là những vụ án phức tạp, khó khăn từ quá trình phát hiện đến điều tra xử lý tội phạm. Song bằng tinh thần trách nhiệm, sự mưu trí, sáng tạo, cán bộ Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã điều tra làm rõ 3 vụ án, khởi tố 3 đối tượng, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố trước pháp luật.

1.Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, Văn phòng cơ quan CSĐT và Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội có thông tin về hoạt động mua bán, tàng trữ ngà voi tại một số làng nghề của Hà Nội. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này đều là những người làm nghề chế biến các sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ tại các làng nghề. Nhóm này có quan hệ chặt chẽ với một số người Trung Quốc, lén lút đưa ngà voi về chế tác.

Ngày 17-8-2018, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đồng loạt thực hiện khám xét các điểm nghi vấn. Hồi 7h30 ngày 17-8-2018, tổ công tác của Công an TP đã phối hợp Công an xã Nhị Khê, huyện Thường Tín kiểm tra cư trú của gia đình đối tượng Nguyễn Hữu Tiễn (36 tuổi; trú tại đội 8, thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Đối tượng Tiễn khi bị bắt giữ.

Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại nhà xưởng của Tiễn ở phía sau nhà có 1 bao tải dứa màu trắng, bên trong có 27 đoạn có hình dạng trụ tròn có đặc điểm giống ngà voi, khối lượng khoảng 7kg... Nguyễn Hữu Tiễn khai nhận toàn bộ các đồ vật có đặc điểm nêu trên là ngà voi được Tiễn mua về để phục vụ việc sản xuất đồ trang sức, mĩ nghệ bán kiếm lời. Quá trình khám xét, thu giữ tại xưởng làm việc và nhà của Tiễn các mảnh, vụn (nghi là ngà voi) và các sản phẩm mỹ nghệ (nghi làm từ ngà voi) có khối lượng khoảng 85kg.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP, Công an xã Nhị Khê kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu phát hiện bắt quả tang và thu giữ tại gia đình ông Lê Chí Thuận (59 tuổi, trú tại xã Nhị Khê), thu giữ 119,8kg sản phẩm ngà voi. Tiếp đó, vào hồi 16h ngày 17-9-2018, tổ công tác của Công an TP đã phối hợp Công an xã Nhị Khê, huyện Thường Tín kiểm tra nơi cư trú của gia đình Phạm Hải An (45 tuổi, trú tại địa chỉ trên) phát hiện tang vật là 3kg hạt ngà voi.

Trong quá trình bắt giữ Nguyễn Hữu Tiễn, một số đối tượng đã lợi dụng để cướp ngà voi nhằm mục đích tẩu tán tang vật, vật chứng nhưng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp đã ngăn chặn.

2.Trong quá trình điều tra vụ án, các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, không hợp tác. Việc điều tra, mở rộng vụ án cũng nhiều lúc bế tắc do đối tượng chống đối quyết liệt. Trường hợp của chị Lều Thị Thu (vợ của đối tượng Phạm Hải An) là một điển hình. Để đối phó với cơ quan Công an, Thu liên tục lấy lý do sức khỏe hoặc gia đình có mẹ già bệnh tật ốm nặng, không hợp tác khi ghi lời khai, điều tra làm rõ vụ việc. Đối với Phạm Thu Hà (vợ của Nguyễn Hữu Tiễn) cũng lấy những lý do gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già và 4 con nhỏ để không hợp tác trong quá trình điều tra xác minh.

Trong khi đó, chính quyền địa phương xã Nhị Khê trong công tác quản lý đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ, mua bán trái phép ngà voi còn lơi lỏng. Đơn vị địa phương không nắm được di biến động của đối tượng nghi vấn và có quan hệ gia đình, quan hệ “cộng đồng làng xã” với các đối tượng nên khi đề nghị phối hợp bắt quả tang, hỗ trợ khi khám xét, bảo vệ hiện trường thì không sẵn sàng hợp tác. Các đối tượng bị bắt giữ đều khai mua hàng của đối tác Trung Quốc; việc sản xuất tại nhà nhưng luôn khẳng định rằng vợ con đều không liên quan.

Trường hợp của Lê Chí Thuận là một ví dụ điển hình. Thuận biết rõ các sản phẩm đó là ngà voi, chế biến, buôn bán hoặc tàng trữ các sản phẩm này là vi phạm pháp luật nhưng do có lợi ích về kinh tế nên Thuận vẫn làm.

Việc Thuận cất giấu số lượng 119,8kg ngà voi, đối tượng khai chỉ có một mình Thuận biết. Những người trong gia đình Thuận là: Bà Nguyễn Thị Hợp (vợ), Lê Thị Dung (con gái), Lê Chí Hiếu (con trai) sống cùng gia đình nhưng khi lấy lời khai cũng đều khẳng định không biết việc Thuận ''tàng trữ'', chế biến các sản phẩm là ngà voi tại nhà.

Cùng với đó là công tác giám định, xác định số tang vật thu giữ có phải là ngà voi hay không để có đủ căn cứ ra các quyết định tố tụng liên quan bắt, giam, giữ, khởi tố… Do đó, khi đưa về cơ quan điều tra cần phải được giám định nhưng tại Phòng Kỹ thuật hình sự và Viện Khoa học hình sự thì công tác giám định cần mất nhiều ngày mới có kết luận xác định là ngà voi hay không hoặc việc thành lập hội đồng giám định phải có cán bộ chuyên môn với kinh nghiệm và kiến thức am hiểu mới sớm kết luận được.

Do đó, Cơ quan điều tra phải trưng cầu các cơ quan giám định ngoài (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để lấy kết quả giám định sơ bộ làm căn cứ xử lý. Đồng thời, khi đấu tranh các đối tượng không thừa nhận là ngà voi mà đưa ra các lời lẽ ngụy biện như đồ vật thu giữ là sừng trâu, bò... để nhằm mục đích chối tội.

Công tác bảo quản, xử lý vật chứng (tổng 3 vụ = gần 300kg ngà voi) cũng là một khó khăn đặt ra. Nếu việc phân loại, quản lý, bảo quản không đảm bảo gây ảnh hưởng đến công tác điều tra. Song với tinh thần đấu tranh cương quyết, tinh thần trấn áp tội phạm và sự linh hoạt, nhạy cảm tình hình, tập thể cán bộ chiến sỹ tham gia phá án đã bắt giữ, điều tra khám phá và thu thập tài liệu chứng cứ có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Tiễn, Lê Chí Thuận, Phạm Hải An về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/canh-bao-tinh-trang-mua-ban-nga-voi-tai-cac-lang-nghe-527284/