Cảnh báo 'tím' khắp nơi, Hà Nội ô nhiễm không khí kéo dài

Đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội khả năng kéo dài do khu vực tiếp tục ấm lên trong những ngày tới. Hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm bị nén xuống, không thể khuếch tán.

Sáng 24/1, Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp của đợt ô nhiễm không khí này. Dù thời tiết đã hửng nắng, nhưng các chất ô nhiễm vẫn không thể khuếch tán khiến chất lượng không khí tại thủ đô tiếp tục suy giảm.

Lúc 7h, Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 216 đơn vị, ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe con người.

Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy tất cả khu vực nội thành đang có chất lượng không khí báo động. Chỉ số AQI dao động 200-300 đơn vị, ngưỡng rất xấu.

Đáng lưu ý, khu vực Đống Đa, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân ghi nhận AQI trên 300 đơn vị, ngưỡng nguy hại. Điểm quan trắc tại Ngọc Thụy (Long Biên) tiếp tục được cảnh báo mức độ ô nhiễm cao nhất với hơn 420 đơn vị.

Không chỉ Hà Nội, chỉ số AQI tại các tỉnh, thành trải dọc từ Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ xuống đến Bắc Trung Bộ đều ở ngưỡng có hại. Nhiều nơi như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình,... có AQI gần 400 đơn vị, mức độ ô nhiễm tương đương Hà Nội.

Quan sát bản đồ ô nhiễm có thể thấy càng tiến sâu về phía nam, mức độ ô nhiễm càng giảm. Tại TP.HCM, chất lượng không khí cải thiện hơn nhiều so với Hà Nội khi AQI chỉ dao động 30-50 đơn vị, ngưỡng tốt.

Nhiều nơi ở Hà Nội có chất lượng không khí đạt ngưỡng nguy hại, trong khi TP.HCM ở ngưỡng tốt đến trung bình, sáng 24/1. Ảnh: PamAir.

Nhiều nơi ở Hà Nội có chất lượng không khí đạt ngưỡng nguy hại, trong khi TP.HCM ở ngưỡng tốt đến trung bình, sáng 24/1. Ảnh: PamAir.

Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mật độ chất gây ô nhiễm và hiện tượng nghịch nhiệt có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Thông thường, trước và sau khi khu vực đón không khí lạnh, trạng thái sương mù sẽ xuất hiện nhiều hơn do nhiệt độ ở lớp khí quyển đã tăng nhưng bề mặt còn khá lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Điều này khiến các phần tử khí khó khuếch tán lên cao, bụi bẩn chỉ tồn tại được ở lớp bề mặt gây ra ô nhiễm.

Khi không khí lạnh tràn về xóa tan lớp nghịch nhiệt này, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.

Trong khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thời gian này, các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa đông kèm theo gió mùa Đông Bắc mang một lượng lớn bụi từ phía bắc đến Việt Nam, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí ở miền Bắc.

Cơ quan này đưa ra dự báo thời gian tới, chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể tái diễn do kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân bằng cách thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bao-tim-khap-noi-ha-noi-o-nhiem-khong-khi-keo-dai-post1176447.html