Cảnh báo thực phẩm bẩn với 3 cấp độ

Một năm qua TP. Hà Nội tiến hành 154.000 cuộc thanh tra về ATTP, phạt hành chính hàng chục tỷ đồng.

Đó là thông tin được Ban Chỉ đạo công tác ATTP đưa ra vào sáng ngày 26/9/2018, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về việc khắc phục hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác ATTP trên địa bàn và triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP giai đoạn 2018-2020.

Báo cáo tại hội nghị, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 1 năm triển khai kế hoạch, đơn vị đã tiến hành kiểm tra ATTP 961 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, phát hiện 162 cơ sở vi phạm; xét nghiệm nhanh trên 5 xe kiểm nghiệm ATTP chuyên dùng, lưu động trong các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; kết quả, số mẫu đạt 1.624 mẫu/1.709 mẫu xét nghiệm, đạt 95%.

Sở Công thương Hà Nội tiến hành kiểm tra tại 43 doanh nghiệp; xử phạt 11 doanh nghiệp với số tiền 54.700.000 đồng; Chi Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính 5.334.325 triệu đồng, buộc thiêu hủy hàng hóa vi phạm. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thanh kiểm tra 414 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy sản, phát hiện 120 cơ sở vi phạm…

Cơ quan chức năng TP. Hà Nội kiểm tra ATTP tại một cơ sở giết mổ.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về ATTP cũng được đẩy mạnh. Cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp và huy động các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng chuyên trang chuyên mục, đăng tin, bài, phóng sự về công tác ATTP.

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng chiến dịch truyền thông "Người Hà Nội không sản xuất, phân phối, tiêu thụ, tẩy chay, tố giác cơ sở sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn". Đăng tải trên website ngành về các cơ sở thực phẩm đảm bảo cũng như các cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh ATTP…

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, việc triển khai quản lý ATTP trên địa bàn TP. Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện ký cam kết ATTP đối với các cở sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã quản lý gặp nhiều khó khăn do đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP về môi trường, nguồn gốc thực phẩm, trang thiệt bị dụng cụ, yếu tố con người…

Đặc biệt, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm.

“Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo ATTP, việc tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm, khó khăn trong kiểm soát ATTP với thực phẩm nhập khẩu…là nhức vấn đề gây “đau đầu” cho những nhà quản lý hiện nay” - ông Trần Ngọc Tụ chia sẻ.

Trao đổi tại hội nghị, các Sở Công thương Hà Nội và Sở NN&PTNT cùng các quận, huyện đã đưa ra một số vấn đề liên quan đến công tác ATTP như: Xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm; xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với thực phẩm lưu thông; vai trò của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, xây dựng mô hình điểm, kiểm tra, kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập trung trên địa bàn…

Cũng tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công tác ATTP đã công bố triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP giai đoạn 2018-2020 với 3 cấp độ: thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng.

Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP đủ năng lực đáp ứng việc xử lý nhanh các thông tin, sự cố về ATTP nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tân Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/canh-bao-thuc-pham-ban-voi-3-cap-do-3366892/