Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của những trung tâm gia sư

Là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập của không ít sinh viên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng nghề gia sư đang trở thành mồi câu của một số trung tâm lừa đảo.

Bằng cách dụ dỗ, mời chào nạn nhân đóng tiền đăng kí hợp đồng lao động với trung tâm gia sư sau đó lặn không "sủi tăm", những trung tâm kiểu này đã lừa được không biết bao nhiêu nạn nhân dễ dãi, cả tin.

Thủ đoạn lừa đảo của các trung tâm gia sư không phải là mới, nó đã được báo chí, cộng đồng mạng cảnh báo, chia sẻ rầm rộ trong thời gian gần đây.

Thế nhưng, với những sinh viên mới chân ướt chân ráo lên Thủ đô học tập, có nhu cầu kiếm thêm thu nhập trang trải học phí, sinh hoạt hằng ngày, ít được tiếp cận thông tin thì việc bị lừa vẫn có thể xảy ra.

Mới đây, cộng đồng mạng đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi trường hợp của nữ sinh Hương Giang (20 tuổi, sinh viên năm 2 của một trường đại học tại Hà Nội) bị hành hung dã man khi đến đòi lại tiền của một trung tâm gia sư có dấu hiệu lừa đảo.

Vết hằn trên má sau khi Giang bị tát.

Vết hằn trên má sau khi Giang bị tát.

Theo đó, Giang nộp đơn xin làm gia sư tại một trung tâm trong ngõ 155 Cầu Giấy, đã kí hợp đồng và nộp 480 ngàn tiền phí. Với những lời hứa hẹn sẽ sớm tìm được khách hàng, Giang yên tâm về nhà chờ đợi.

Nhưng sau đó một tháng mà vẫn chưa thấy trung tâm này liên lạc gọi đi dạy, Giang cùng một người bạn đến trung tâm để thanh lý hợp đồng và đòi lại tiền phí đã nộp.

Tại đây, sau một hồi đôi co lý lẽ, giám đốc trung tâm đã giở thói côn đồ, đập bàn chửi bới và tát bạn của Giang chảy máu mũi, vụ việc đã được Giang quay video lại để làm bằng chứng. Cả hai sau đó đã phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn.

Sau khi bị lừa tại đây, Giang đã kêu gọi những người từng bị trung tâm này lừa đảo cùng lên tiếng: "Các bạn gia sư ơi, hãy cảnh tỉnh khỏi những kẻ du côn lưu manh này nhé. Thật bất nhân, làm ăn phi pháp trên đồng tiền mồ hôi xương máu của người khác. Đã thế còn dọa dẫm. Đây là loại lưu manh, côn đồ. Đánh đập phụ nữ, đàn bà. Hãy lên tiếng nếu bạn đã từng bị chúng lừa. Hiện giờ tâm lí mình vẫn chưa ổn định, mỗi khi nhắm mắt mình lại nghĩ lại cảnh tượng đó, thật kinh hoàng".

Được biết, cô sinh viên trẻ này không phải là nạn nhân đầu tiên và cũng không phải cuối cùng của trung tâm lừa đảo này. Sau khi vụ việc được chia sẻ rộng rãi, trung tâm này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường vài ngày sau đó và có nhiều sinh viên không nắm được thông tin vẫn tiếp tục đến đăng kí tại đây.

Cũng trong buổi làm việc với Công an phường Quan Hoa, giám đốc trung tâm này khai nhận: "Theo đúng như hợp đồng đã kí thì đến ngày 15-4, Trung tâm sẽ thanh lý hợp đồng và trả lại tiền cọc cho chị Giang. Nhưng chị Giang đã đến trước thời hạn, bức xúc vì thái độ lời nói nên đã có hành vi trên".

Vụ việc đã được chuyển lên Công an quận Cầu Giấy để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, trung tâm này đã khóa cửa, các biển hiệu quảng cáo, giấy tờ đều bị gỡ bỏ.

Ngoài ra, trên trang cá nhân của Giang, còn nhiều bạn trẻ khác từng là nạn nhân của trung tâm này và các trung tâm gia sư lừa đảo khác cũng lên tiếng chia sẻ câu chuyện của mình.

Rất nhiều bạn trẻ đến đăng kí dạy thêm.

Bạn Hoàng (21 tuổi, Hải Dương) cho biết: "Mình cũng từng bị lừa bởi những trung tâm kiểu này, sau khi đóng 400 ngàn để đăng kí đi dạy nhưng gần một tháng không thấy có người gọi. Khi gọi lại thì bị chặn số, đến trung tâm thì chỗ này đã đóng cửa chuyển đi đâu không biết".

Còn với trường hợp của Long (Thanh Hóa), vì muốn đòi tiền đến cùng nên cũng bị người của trung tâm thường xuyên nhắn tin đe dọa qua điện thoại. Long cho biết: "Mình mất 480 ngàn để đăng kí nhận lớp. Những người ở trung tâm khẳng định cứ đóng tiền xong là sẽ có lớp để dạy nhưng chờ mãi không thấy.

Khi nghe bạn bè nói là trung tâm này lừa đảo, tôi mới vội vàng quay lại lấy tiền đặt cọc nhưng họ tìm mọi lý do thoái thác không trả, kêu tôi phá hợp đồng. Khi đăng tin vụ việc lên mạng để cầu cứu thì có người gọi điện, nhắn tin cho tôi dọa nạt yêu cầu gỡ bài nếu không sẽ cho biết tay…".

Còn với chị Lê Thị Thu Hà, giảng viên 1 trường đại học Hà Nội thì chị bị lừa cay đắng hơn, dù bao nhiêu năm kinh nghiệm giảng dạy, xin việc và va chạm ở thành phố Hà Nội.

Vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chị tranh thủ đăng ký dạy thêm ở Trung tâm tiếng Anh E.L Tây Sơn, gần nơi làm việc để thuận tiện đi lại cho mình.

Dù đang mang bầu nhưng chị vẫn chăm chỉ đi dạy thêm mỗi tối, thế nhưng nhiều tháng liền Trung tâm không giả tiền lương cho chị và các đồng nghiệp.

Đến khi mang bầu ở những tháng cuối, sức khỏe yếu, chị xin nghỉ dạy tại đây và yêu cầu giám đốc trung tâm thanh toán với số tiền là 30 triệu đồng cho chị nhưng ông giám đốc hứa lần lữa mà không chịu trả.

Đến bây giờ, sau khi sinh con được hơn tháng và nghỉ dạy ở trung tâm E.L cả nửa năm, chị và các đồng nghiệp vẫn không nhận được một đồng tiền lương suốt thời gian dạy thêm ở E.L.

Gọi điện cho ông giám đốc thì ông ta chặn số, không nghe máy, đến tận nơi thì lần nào nhân viên cũng bảo giám đốc đi vắng. Theo chị Hà, có đến 5-6 giáo viên đều bị "quỵt" tiền lương dạy học mấy tháng liền nhưng không ai dám đứng ra làm đơn tố cáo vì chỉ sợ ảnh hưởng đến gia đình, đến công việc.

"Chúng tôi thực sự rất bức xúc, đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Tiền coi như mất không đòi được, nhưng chúng tôi muốn cảnh báo cho các em sinh viên, cả các bạn giáo viên muốn tìm một chỗ làm thêm hãy tránh xa trung tâm E.L lừa đảo này ra", chị Hà bức xúc chia sẻ.

Bạn của Giang bị đánh chảy máu mũi.

Hình thức lừa đảo này cho đến nay đã không còn mới. Với chiêu trò thường xuyên thay đổi địa điểm, đặt trung tâm ở trong ngõ ngách ít dân cư, các trung tâm lừa đảo này đã tồn tại được nhiều năm nay. Chúng liên tục thay đổi tên trên mạng xã hội, dùng những lời lẽ văn hoa để dụ hoặc các bạn sinh viên nghèo muốn kiếm việc làm thêm.

Do số tiền lừa của mỗi người chỉ vài trăm ngàn nên đã có nhiều vụ việc xảy ra bị chìm vào quên lãng. Nhiều bạn sinh viên trẻ, nhiều vị giáo viên không muốn gặp nhiều rắc rối, sợ va chạm vì các đối tượng lừa đảo còn manh động nhắn tin đe dọa nên ngậm ngùi cho qua. Còn với những người dám lên tiếng như Giang, theo đến cùng để đòi tiền cọc thì người bị dọa nạt, người bị đánh đập.

Theo một số chuyên gia, cách nhận biết một trung tâm gia sư lừa đảo không khó, chỉ vì nhóm đối tượng mà các trung tâm này câu kéo là các bạn trẻ mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội học tập, muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình nên mới dễ bị lừa.

Trung tâm gia sư lừa đảo thường lợi dụng lòng tham của con người, đưa ra những lớp có yêu cầu không rõ ràng hoặc không yêu cầu cụ thể đối với cả giáo viên và sinh viên. Hoặc đưa ra những mức lương rất hấp dẫn, vượt qua mức lương thực tế có thể nhận từ công việc gia sư này.

Tiếp đó, trong một danh sách lớp mà các trung tâm này đưa ra, các bạn sinh viên có thể chọn lớp nào cũng được mà không cần phải sắp xếp lịch hẹn đến trung tâm hay qua các bài phỏng vấn chuyên môn, miễn là đưa lệ phí thì sẽ có lớp.

Việc ứng tuyển dễ dàng cũng khiến nhiều bạn mất cảnh giác và sẵn sàng nộp tiền để sớm có việc như đã được mời chào trước đó. Ngoài ra, cơ sở vật chất của trung tâm cũng là một thước đo đánh giá liệu trung tâm đó có phải lừa đảo hay không.

Những trung tâm lừa đảo có trụ sở rất tạm bợ, lụp xụp và không có bảng tên, biển hiệu rõ ràng. Những trung tâm này sẵn sàng đóng cửa, thay đổi trụ sở chỉ trong vài ngày để trốn tránh những người đến đòi tiền hay trốn tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Cũng có những trung tâm chỉ cần vài ba tháng gom góp được chút tiền phí tìm lớp gia sư của nạn nhân là đã biến mất không dấu vết. Sau đó, trung tâm này lại xuất hiện ở nơi khác, với cái tên khác và tiếp tục dùng thủ đoạn đó để lừa đảo.

Các trung tâm gia sư luôn có thái độ chèo kéo, chấp nhận làm giả luôn cả giấy tờ, thẻ sinh viên của người dạy để đáp ứng yêu cầu của gia đình. Hợp đồng mà các trung tâm này đưa ra đều rất mù mờ, người đăng kí chỉ được đọc khi đã đóng tiền và trong đó thường có những điều khoản ràng buộc vô lý, phần lớn thiệt thòi đều nghiêng về phía các sinh viên, giáo viên đến đăng kí dạy thêm.

Để tránh gặp những trung tâm lừa đảo như vậy, trước khi đến đăng kí, các bạn sinh viên nên tìm hiểu rõ về trung tâm qua các kênh khác nhau. Trong trường hợp gặp phải trung tâm lừa đảo, nên báo cho cơ quan chức năng để nhờ sự giúp đỡ.
Mai - Minh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/canh-bao-thu-doan-lua-dao-cua-nhung-trung-tam-gia-su-488885/