Cảnh báo thói quen đốt than, củi sưởi ấm trong mùa lạnh

Cứ đến mùa lạnh, tai nạn do đốt than sưởi ấm, đốt củi lại có nguy cơ bùng phát, đặc biệt vào những ngày lạnh sâu như hiện nay, được giới chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng dường như nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, trường hợp đốt lửa sưởi ấm, bất ngờ ngọn lửa bén vào quần áo bốc cháy dữ dội khiến người phụ nữ 67 tuổi ở Quảng Bình tử vong là hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm từ thói quen sưởi ấm của người dân.

Chiều 10/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, mặc dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu, tuy nhiên nữ bệnh nhân bị bỏng trong lúc đốt lửa sưởi ấm đã không qua khỏi. Bệnh nhân là một phụ nữ 67 tuổi, trú tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Qua tìm hiểu người nhà cho biết, trời lạnh nên cả nhà đốt lửa sưởi ấm. Tuy nhiên lại không ngờ lửa bốc cao, bệnh nhân lại ngồi sát nên ngọn lửa nhanh chóng bén vào áo quần. Phát hiện ra sự việc, chồng của bệnh nhân xông vào cứu nhưng cũng bị bỏng nặng.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, từng có nhiều trường hợp gặp tai nạn nguy hiểm cho người dân từ việc đốt củi, than sưởi ấm trong mùa đông, nhất là những gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ.

Một câu chuyện thương tâm xảy ra tại một gia đình ở Quảng Bình khiến 2 người chết, 2 người nguy kịch do đốt than để sưởi ấm đặt dưới giường ngủ ngày 3/12.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cũng đã tiếp nhận cứu chữa bé sơ sinh chưa đầy 1 tháng (ngụ Bình Phước) nguy kịch do hậu quả của việc sưởi ấm. Bé trai nhập viện trong tình trạng sốt cao, lừ đừ, bụng trướng, đặc biệt lưng bị sưng nề, phỏng đỏ. Bệnh nhi được chẩn đoán phỏng độ 2, áp-xe, nhiễm trùng máu. Nguyên nhân là do sau sinh, trời lạnh, người nhà đã đốt than để dưới giường cho hai mẹ con em bé sưởi ấm.

Cũng vào thời điểm này, vào năm trước, tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông (Kon Tum) từng tiếp nhận 3 bệnh nhân gồm vợ chồng chị Mã Thị Trang (xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và bé sơ sinh 3 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức. Tuy nhiên, do quá sức khỏe quá yếu nên chị Trang đã tử vong tại bệnh viện.

Trước đó, một ví dụ rất điển hình xảy ra tại Nghệ An. Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiếp nhận cấp cứu 4 nạn nhân bị ngộ độc khí CO. Nguyên nhân, do 4 nạn nhân đốt than sưởi, khí độc sản sinh trong phòng kín khiến 1 cháu bé 18 tháng tuổi tử vong, 4 thành viên còn lại trong gia đình nguy kịch.

Hàng loạt những vụ việc thương tâm xảy ra mà nguyên nhân chính là do thói quen sưởi ấm nguy hiểm của người dân. Đốt than, đốt củi trong phòng để sưởi ấm, đặc biệt vào những ngày lạnh sâu, nhiệt độ thấp như ở miền Bắc hiện nay là một thói quen không tốt cho sức khỏe, được giới chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng dường như nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.

Theo các chuyên gia, năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh là xuất hiện những ca ngộ độc do sử dụng than làm lò sưởi ấm. Không chỉ ở các vùng nông thôn, mà ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng sử dụng than hoa sưởi ấm trong phòng ngủ, nhà tắm nhưng lại đóng kín cửa phòng, gây ngộ độc khí than.

Các bác sĩ cho biết, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải khí CO độc này sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất ôxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Trường hợp hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Có đến 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người..

Xử trí ngộ độc khí CO thế nào? Các bác sĩ khuyên rằng, khi phát hiện nơi nạn nhân bị ngộ độc cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa, trước khi đi vào vùng nhiễm độc cần mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm để đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO.

Trường hợp bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/canh-bao-thoi-quen-dot-than-cui-suoi-am-trong-mua-lanh-KhaIVuaGR.html