Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ dịp hè

Mới đây, Khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận bé D.P. (28 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị dập nát bàn chân phải do chân bị kẹp vào cổng trượt tự động của gia đình.

 Trẻ bị tai nạn thương tích được điều trị tại BV Nhi Trung ương

Trẻ bị tai nạn thương tích được điều trị tại BV Nhi Trung ương

Mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích

Qua khai thác bệnh sử, được biết gia đình bé có lắp cổng trượt tự động. Khi gia đình đang ăn cơm thì có người quen dẫn con qua nhà chơi. Lúc này, chị gái 9 tuổi của bé bấm nút mở cửa. Do thiết kế của cổng trượt tự động trượt đi trượt lại nên bé rất tò mò và thích thú. Bé đứng bám lên đu theo cổng nhưng không ai để ý. Khi thấy cháu khóc, mọi người chạy ra đến nơi đã thấy chân của cháu bị kẹt vào cổng.

Các bác sĩ xác định bàn chân phải của trẻ bị dập nát, vỡ 2 cổ xương bàn II- III, đứt gân duỗi ngón I-II-III, khuyết hổng da lộ gân mu chân. Bệnh nhi nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật xử trí bằng cắt lọc vết thương hoại tử, bỏ mô dập nát, nối lại và phục hồi gân, mạch máu… để giữ lại bàn chân cả về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.

Còn tại khoa Điều trị bỏng trẻ em (BV Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), khoảng một tuần trở lại đây, khoa đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị bỏng. Trong đó, khoảng 80% trường hợp nhập viện do bỏng nhiệt (lửa, nước sôi, cồn); 10% trường hợp bỏng do điện, còn lại là bỏng do hóa chất. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh sơ cứu không đúng cách, đã khiến tổn thương bỏng sâu, nhiễm khuẩn vết thương của trẻ, gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí có thể phải cắt bỏ chi.

Theo các bác sĩ, mỗi năm vào dịp hè, các BV đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích. Bộ Y tế cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích. Trong đó, 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm tuổi từ 15 đến 19 chiếm tỷ lệ cao nhất với 43%; tiếp đến là nhóm tuổi 5-14, chiếm 36,9%; thấp nhất là nhóm tuổi 0-4, chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Các bé trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các bé gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Phụ huynh cần lưu ý gì?

Cũng theo Bộ Y tế, trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em tử vong mỗi năm. Trong các nhóm tuổi, trẻ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chiếm khoảng 16%; từ 5 đến 9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trẻ đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Trong 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 38 vụ đuối nước, làm tử vong 113 trẻ. Trong đó, có nhiều vụ đuối nước tập thể, như trường hợp xảy ra ngày 4/4, khiến 5 thiếu niên 13 tuổi tại xã Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tử vong. Mới đây, ngày 13/5, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội), 3 em không may bị đuối nước.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương), cho rằng, tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Trường hợp trẻ may mắn được cứu sống cũng để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Theo bác sĩ Duy, phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn.

Để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, các bậc cha, mẹ cần quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi. Khi trẻ nhỏ ăn, ngủ, chơi phải luôn có người chăm sóc bên cạnh. Với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của các em. Cha mẹ cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/canh-bao-tai-nan-thuong-tich-o-tre-dip-he-20220625155741738.htm