Cảnh báo suy thận từ những thói quen xấu

Ở độ tuổi sung sức, đang sinh hoạt, làm việc bình thường, nhiều người trẻ đi khám phát hiện thận bị tổn thương, phải chạy thận suốt đời.

Bệnh nhân suy thận điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TP HCM

Bệnh nhân suy thận điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TP HCM

Ngã ngửa khi phát hiện suy thận

Khoảng một tuần trước, chị Nguyễn Thị L (32 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) cảm thấy nhức đầu âm ỉ. Đi thăm khám, chị được chẩn đoán viêm xoang, được kê đơn thuốc và hẹn tái khám. Tuy nhiên, sau 1 tuần dùng thuốc vẫn thấy mệt nên chị L. quay lại làm các xét nghiệm chuyên sâu thì bất ngờ chị nhận được kết luận bệnh suy thận giai đoạn cuối, cần phải lọc máu định kỳ.

Là nhân viên văn phòng, anh Võ Vinh Đ (30 tuổi, quê An Giang) khá bận nên không đi khám sức khỏe định kỳ. Cách đây 5 tháng, anh bị nôn ói, không ăn uống được, tình trạng kéo dài 3 ngày. Nghĩ mình bị “trúng thực”, anh đến Bệnh viện Nhân dân 115 khám và được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Hiện tại, anh Đ. phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần.

Tương tự, chị Võ Anh Đ (32 tuổi, quê Tây Ninh) đang làm công nhân may của một công ty. Trong một lần công ty tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, chị được phát hiện có huyết áp cao 170/90 mmHg và khuyên nên đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4. Sau khi điều trị 1 năm, bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối nên hiện tại chị phải chạy thận nhân tạo 3 lần/ tuần...

Ba ví dụ nêu trên đều là những bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM.

Ths. BS. Nguyễn Minh Quân, Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, tỉ lệ người Việt bị suy thận mạn tính ngày càng nhiều. Trong đó, số bệnh nhân trẻ phải chạy thận nhân tạo ngày càng gia tăng. Đa phần, những người trẻ phát hiện bệnh rất tình cờ. Đặc điểm của người mắc bệnh thận thường không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh đã tiến triển, ở giai đoạn đầu thường chỉ phát hiện qua các xét nghiệm.

“Hầu hết người bệnh đến viện khi đã có những dấu hiệu như phù (cơ thể bị ứ nước, nếu nặng sẽ gây phù phổi cấp), tiểu ít, hay bị chuột rút, ăn không ngon, mệt mỏi bất thường, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, hơi thở hôi mùi ure, thậm chí co giật, hôn mê...”, BS. Quân thông tin.

Suy thận bởi ăn mặn, ăn nhiều mì chính

Chia sẻ về căn bệnh suy thận, TS. Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, với nhiệm vụ rất quan trọng là loại bỏ cặn bã và dịch dư thừa ra khỏi máu qua đường nước tiểu, thận giúp duy trì mọi hoạt động cho cơ thể, trong đó có việc tạo máu, duy trì hằng định huyết áp và cân bằng canxi. Các bệnh lý về thận thường bắt đầu từ viêm cầu thận hoặc do tăng huyết áp và đái tháo đường gây ra. Một vấn đề đáng lưu ý, bệnh nhân suy thận đang ngày càng trẻ hóa, nhất là nam giới, tập trung ở người làm việc văn phòng.

Người bị suy thận mạn cần có chế độ ăn phù hợp, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: Tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, thiếu máu, loãng xương, rối loạn điện giải…

Dân văn phòng được coi là những đối tượng nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tiết niệu do ít vận động, ngồi nhiều. Theo lý giải của BS. Cường, ngồi nhiều, ít vận động, lưu thông mạch máu kém có thể dẫn tới bị ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng bàng quang. Đặc biệt, nữ giới có cấu tạo đường niệu đạo ngắn hơn, lại có thói quen nhịn tiểu nhiều so với nam giới nên nguy cơ viêm đường tiết niệu nhiều hơn. Một trong những lý do tỷ lệ tái nhiễm trùng tiết niệu hoặc bị viêm tiết niệu, viêm bàng quang mạn tính là do hiện nay, nhiều người bệnh có triệu chứng không đi khám, không được kê đúng đơn thuốc. Khi tự ý mua thuốc, thấy hết triệu chứng viêm, bỏ dở liều thuốc khiến cho nhiều người bị kháng kháng sinh, lâu ngày dẫn tới viêm đường tiết niệu mạn tính, viêm niệu đạo, viêm bàng quang mạn tính.

Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học, ít uống nước dễ gây sỏi thận, gây bít tắc đường niệu gây ra suy thận.

Còn theo BS. Quân, suy thận còn xuất phát từ nguyên nhân ít người biết tới là do vi khuẩn liên cầu gây viêm họng (streptococcus). “Khi bị viêm họng do vi khuẩn này, cơ thể thường sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt. Các kháng thể này đi đến cầu thận, qua cơ chế đáp ứng miễn dịch sẽ gây viêm cầu thận cấp. Nếu không điều trị kịp thời hoặc không theo dõi sau điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có tình trạng suy thận mạn”, BS. Quân lý giải.

Theo khuyến cáo của BS. Quân, người dân nên có thói quen uống đủ lượng nước mỗi ngày, từ 1 - 1,5 lít, nếu có hoạt động gây mất nước thì nên bổ sung lượng nước. Bên cạnh đó, có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Với những người thường xuyên bị viêm họng, cao huyết áp, đái tháo đường, đang sử dụng các loại thuốc chữa trị các rối loạn bệnh lý thường xuyên nên tham khảo ý kiến bác sĩ, kiểm tra chức năng thận định kỳ để phát hiện sớm bệnh thận.

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần và mất chức năng hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính. Hiện không có biện pháp nào điều trị khỏi suy thận mạn tính nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/canh-bao-suy-than-tu-nhung-thoi-quen-xau-d470217.html