Cảnh báo rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài

Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 13.000 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 13.000 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong số đó, có khoảng 400 người bị lừa bán sang Trung Quốc; gần 3.000 trường hợp đã bị bắt, đẩy đuổi về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 41 trường hợp bị tai nạn, tử vong và hàng trăm trường hợp khác mất tích.

Đây chính là những con số báo động về tình trạng xuất cảnh trái pháp luật và những hệ lụy buồn mà người lao động đang phải đối mặt.
Chị Phan Thị Hằng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có chồng là anh Lê Văn Đức đã tử vong khi đi lao động trái pháp luật ở Trung Quốc. Chị Hằng cho biết: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Đức sang Trung Quốc đi làm thuê để kiếm tiền nhưng mới làm được 4 tháng thì bị tai nạn lao động. Cũng vì là lao động trái phép nên trong thời gian làm việc tại Trung Quốc, mọi quyền lợi của anh Đức đều không được hưởng. Thậm chí, chị Hằng phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để đưa anh Đức về quê mai táng.
Ngoài trường hợp của anh Đức, ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành còn có 2 vợ chồng cùng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài và bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.
Những trường hợp như trên ở Thanh Hóa không ít. Bởi thực tế, do nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, nhiều người không có việc làm, thu nhập không ổn định nên đã tìm mọi cách để xuất cảnh đi lao động trái phép.

Tuy nhiên, đa phần công dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Bị chủ sử dụng lao động quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động hoặc bị chính quyền địa phương bắt giữ, đuổi về nước, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.
Trung tá Vũ Đức Tĩnh, Phó phòng phụ trách An ninh Đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để chủ động phòng ngừa tình trạng lao động trái phép ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan cùng vào cuộc để thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật, hậu quả từ việc đi xuất cảnh trái phép.

Đặc biệt, huy động nguồn lực tạo việc làm tại chỗ cho người dân và tăng cường quản lý xuất nhập cảnh. Công an Thanh Hóa cũng chủ động ngăn ngừa công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Cùng với việc tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân những quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã cảnh báo hậu quả, rủi ro có thể xảy ra với người lao động khi xuất cảnh trái phép.
Lực lượng Công an tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tập trung điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép đi lao động. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gần 900 người lao động trái phép từ Trung Quốc về quê ký cam kết không tái phạm; hơn 400 gia đình có người thân lao động trái pháp luật tại Trung Quốc cam kết kêu gọi người thân trở về địa phương; phát hiện, ngăn chặn 27 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc, xử phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền gần 50 triệu đồng./.

Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/canh-bao-rui-ro-khi-xuat-canh-trai-phep-sang-nuoc-ngoai/139568.html