Cảnh báo 'quả bom hẹn giờ' chứa 1,1 triệu thùng dầu lênh đênh trên biển Đỏ

Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu con tàu chở 1,1 triệu thùng dầu bị xuống cấp chìm xuống, nó sẽ gây nên một thảm họa sinh thái khủng khiếp cho khu vực Biển Đỏ.

Con tàu do Nhật Bản sản xuất từ những năm 1970 và bán cho chính phủ Yemen năm 1980. Ảnh: AP

Con tàu do Nhật Bản sản xuất từ những năm 1970 và bán cho chính phủ Yemen năm 1980. Ảnh: AP

"Thời gian không còn nhiều để chúng ta phối hợp hành động, nhằm ngăn chặn hậu quả thảm khốc liên quan tới môi trường, kinh tế và nhân đạo sắp xảy ra", Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen phát biểu trước Hội đồng Bảo an hôm 15/7.

Tàu chở dầu trên, hiện được buộc gần cảng biển Ras Isa (Yemen), mang theo khoảng 1,1 triệu thùng dầu. Từ năm 2015, tàu này bị “kẹt” luôn tại đây và người dân địa phương đã sử dụng nó như một chiếc sà lan tạm thời.

Tuy nhiên, trong suốt 4 năm, do không được bảo trì, con tàu chở dầu FSO Safer thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn dầu khí nhà nước Yemen ngày một xuống cấp trầm trọng, đe dọa môi trường xung quanh.

Chính phủ Yemen đã yêu cầu Liên Hợp Quốc can thiệp vì lo lắng con tàu sẽ bị rò rỉ dầu ra biển hoặc nổ tung “tạo thành thảm họa môi trường khủng khiếp nhất trên thế giới”.

Con tàu đang trở thành “quả bom hẹn giờ” khi tình trạng hư hại trên tàu càng rõ rệt. Hồi tháng 5, tàu bị rò rỉ nước làm mát, khiến nước biển tràn vào bên trong khoang máy.

Các thợ lặn của cơ quan thăm dò và sản xuất đầu khí Yemen khi đó đã phải tạm thời khắc phục rò rỉ, sau khi được phiến quân Houthi đồng ý.

Mohamed Ali al-Houthi, thủ lĩnh tối cao của phiến quân Houthi, bước đầu đồng ý cho chuyên gia đến sửa chữa tàu, nhưng yêu cầu được chia phần trong số 1,1 triệu thùng dầu của tàu.

Lượng dầu trên tàu được ước tính có giá trị vào khoảng 40 triệu USD, một nửa so với mức giá trước đại dịch Covid-19, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng dầu trên tàu có thể có chất lượng thấp, và số tiền thu về có khi còn ít hơn.

Cũng như nhiều vấn đề kinh tế và viện trợ khác ở Yemen, số phận của tàu chở dầu Safer đã bị biến thành con bài mặc cả trên bàn đàm phán. Phe Houthi bị cáo buộc sử dụng mối đe dọa về một thảm họa môi trường để kiểm soát giá trị hàng hóa của con tàu.

Thủ tướng Yemen Maeen Abdulmalik Saeed hôm 9/7 cho rằng tiền thu về từ số dầu trên tàu nên nên được dành cho các dự án y tế và nhân đạo.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước cảnh báo rằng nếu con tàu đứt gãy sẽ tàn phá hệ sinh thái của biển Đỏ và gây rối loạn các tuyến vận tải biển chủ chốt.

Cảng Hodeida đóng vai trò sống còn với miền bắc Yemen, với 90% lượng hàng hóa được vận chuyển qua đây. Bất kỳ gián đoạn này cũng sẽ gây thêm gánh nặng cho đất nước đang đứng trước nguy cơ xảy ra nạn đói trên diện rộng vì nhiều năm chiến tranh.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/canh-bao-qua-bom-hen-gio-chua-11-trieu-thung-dau-lenh-denh-tren-bien-do-a331326.html