Cảnh báo 'ớn lạnh' của Nga: Ai không nghe Lavrov, sẽ phải nghe Shoigu

Nga hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ không thực hiện những bước đi thiếu cân nhắc về Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, Ngoại trưởng Nga Lavrov

Tuyên bố trên được ông Vladimir Ermakov, Cục trưởng Cục kiểm soát và không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra khi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng Hoa Kỳ không có ý định tuân thủ Hiệp ước INF và sẽ rút khỏi Hiệp ước này khi cho rằng "Moscow liên tục vi phạm Hiệp ước".

"Chúng tôi cho rằng dù sao Hoa Kỳ cũng sẽ không thực hiện những bước đi thiếu cân nhắc như vậy, và cuối cùng nước này sẽ biết tiếp cận một cách tỉnh táo tới việc đánh giá tình hình thực tại trên thế giới. Đương nhiên chúng tôi luôn có giải pháp sẵn sàng cho bất kỳ mọi diễn biến sự kiện… Nhưng đối với những người không muốn nghe Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov giải thích cặn kẽ tất cả những điều này thì sẽ phải lắng nghe giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu", ông Ermakov tuyên bố.

Quyết định về việc rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) chứng tỏ vị thế yếu kém của Hoa Kỳ, ông Ermakov nhận xét. Theo quan điểm của ông, khi một Nhà nước tự cảm thấy có vị thế vững mạnh thì sẽ không ngại đi đến thương lượng với định dạng đầy đủ. Ông khẳng định rằng Liên bang Nga luôn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.

Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin

Cuối tháng 10 vừa qua (20/10), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi INF, với cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước này. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/11 nói rằng nước này tất nhiên sẽ có hành động đáp trả.

Phát biểu trong một cuộc họp về các vấn đề công nghiệp quốc phòng, ông Putin nói: "Tôi đề nghị chúng ta tổ chức thảo luận về các biện pháp đối phó trước khả năng Mỹ có thể rút khỏi hiệp ước INF. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa, chúng ta sẵn sàng đối thoại với các đối tác phía Mỹ trong vấn đề quan trọng này. Chúng tôi hy vọng họ sẽ quan tâm đến vấn đề này với đầy đủ trách nhiệm. Chắc chắn việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF không thể và sẽ không xảy ra mà không có sự đáp trả từ Nga".

Bên cạnh đó, ông Putin cho rằng Nga phải củng cố sức mạnh cho quân đội, đồng thời tránh bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu.

Ngoại trưởng Nga Lavrov

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 23/11 tuyên bố Nga không có ý định thay đổi học thuyết quân sự của mình bất chấp Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF).

Ông Ryabkov cho biết học thuyết quân sự của Nga bao gồm 2 kịch bản trong đó Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, và cả hai đều chỉ là "giả thuyết đơn thuần". Nhà ngoại giao Nga cho hay kịch bản đầu tiên hình dung việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga, và kịch bản thứ hai là một cuộc xâm lược chống Nga với vũ khí thông thường có cường độ đe dọa sự tồn tại của Nga..

Hiệp ước INF được ký giữa cựu Tổng thống Mỹ Ronald Regan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo Hiệp ước INF, cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/canh-bao-on-lanh-cua-nga-ai-khong-nghe-lavrov-se-phai-nghe-shoigu-post282853.info