Cảnh báo những rủi ro, tai biến khi truyền dịch tại phòng khám tư

Thời gian qua liên tiếp các ca tử vong do truyền dịch tại phòng khám tư, mới đây, một trường hợp nữ bệnh nhân tử vong tại Phòng khám Kết Châu (ngõ 481 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội), trước đó cũng có trường hợp trẻ nhỏ bị sốc sau khi truyền dịch dẫn đến tử vong.

Tâm lý người bệnh đang lạm dụng quá nhiều vào việc truyền dịch, coi việc này như thứ thuốc bổ "thần thánh", người mệt mỏi, đau đầu do ảnh hưởng thay đổi thời tiết, sốt cần hạ nhanh cũng cần muốn truyền dịch. Thậm chí, nhiều người còn tự ý truyền dịch tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: "Đúng là hiện nay nhiều người đang lạm dụng truyền dịch, đặc biệt là tuyến dưới, chưa nói đến truyền dịch tại gia đình. Việc lạm dụng cũng xuất phát từ phía người bệnh. Khi vào viện thấy bệnh nhân bên cạnh truyền dịch cũng đòi truyền vì họ quan niệm truyền là hết mệt, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng truyền được".

PGS.TS Dũng phân tích, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ…Theo các bác sĩ, truyền dịch là tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt những chất có lợi vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi cơ thể... Truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện tại bệnh viện.

Việc dùng dịch truyền bừa bãi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Sốc phản vệ do truyền nhanh, áp lực thẩm thấu cao gây biến chứng với biểu hiện vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt. Rối loạn điện giải là một biến chứng do truyền dịch. Thiếu hụt các yếu tố vi lượng: Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa khiến thức ăn được hấp thụ kém, dẫn đến cơ thể thiếu trầm trọng các vitamin và khoáng chất; Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch), thậm chí gây tử vong.

Truyền dịch có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như: Nhiễm trùng máu, nhiễm viêm gan virut. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể lại bị mất nước ưu trương, teo tế bào não rất nguy hiểm.

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực... Sưng chỗ kim tiêm hoặc lan tỏa ra xung quanh khiến vùng da đó bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là bị hoại tử nhất là khi truyền dịch cung cấp chất dinh dưỡng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, truyền dịch cũng như các loại thuốc khác cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên lạm dụng dịch truyền.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-nhung-rui-ro-tai-bien-khi-truyen-dich-tai-phong-kham-tu-d2065251.html