Cảnh báo: Nhiều người bệnh ở Việt Nam nguy cơ không có thuốc chữa

Theo tính toán của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh

Tại Việt Nam, nhiều người có thói quen mua thuốc kháng sinh không cần đơn. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang gây ra những nguy cơ rất lớn.

“Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói nhân Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, ngày 13/11.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh.

Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.

Tình trạng kháng kháng sinh bắt nguồn từ thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân. Thậm chí, các bác sĩ cũng sử dụng kháng sinh không hợp lý.

Đáng chú ý, rất nhiều bệnh nhân có nguy cơ hết thuốc chữa không phải vì bệnh hiểm nghèo, mà chỉ vì cơ thể đã nhờn thuốc do người bệnh uống kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ.

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nếu không kháng kháng sinh, một bé trai bị viêm não đã có thể xuất viện sau 1 tuần điều trị. Tuy nhiên, vì kháng thuốc nên em vẫn phải tiếp tục nằm thở máy trong hơn 1 tháng.

Không chỉ trẻ nhỏ, tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, 70% số ca viêm phổi đều gặp tình trạng kháng kháng sinh.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 5 triệu người châu Á tử vong do kháng thuốc kháng sinh. Số lượng người thiệt mạng do kháng thuốc có thể sẽ cao hơn số người tử vong do bệnh ung thư. Vì vậy, Liên hợp quốc gọi tình trạng kháng thuốc là “một vấn đề khẩn cấp về y tế toàn cầu” và cần phải được ưu tiên giải quyết như phòng chống dịch Ebola và HIV.

Làm gì để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh

Mỗi người dân:

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh. Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.

- Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.

- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn, và tiêm vắc xin đầy đủ.

Đối với các nhân viên và cơ sở y tế:

- Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành.

- Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc.

- Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

- Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn hơn, và che mũi và miệng khi hắt hơi).

Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Ngọc Châu - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/canh-bao-nhieu-nguoi-benh-o-viet-nam-nguy-co-khong-co-thuoc-chua-55228-9.html