Cảnh báo nhập siêu trở lại

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu sang nhập siêu.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty MEIKO, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty MEIKO, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh

Gia tăng nhập siêu

Sau 4 năm liên tục xuất siêu với quy mô ngày một lớn và cách đây đúng một năm vào tháng 1/2019, xuất siêu của Việt Nam đạt tương đối khá (với tỷ lệ xuất siêu 2,8%). Tuy nhiên, vào tháng 1/2020, chúng ta đã chuyển sang nhập siêu (với tỷ lệ nhập siêu 1,5%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu, tuy nhiên nhập siêu đã giảm cả về mức tuyệt đối (1,575 tỷ USD so với 2,084 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (24,9% so với 29,2%). Xuất khẩu của khu vực này giảm với tốc độ thấp hơn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (11,3% so với 20,4%), nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 1 đã cao hơn của cùng kỳ năm trước (34,5% so với 32,1%). Trong khi nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm nhiều hơn so với tốc độ giảm của xuất khẩu (14,2% so với 11,3%), nên nhập siêu giảm so với cùng kỳ.

Khu vực kinh tế nước ngoài tuy tiếp tục xuất siêu, nhưng đã giảm cả về mức tuyệt đối (1,298 tỷ USD so với 2,715 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu (10,8% so với 18%). Xuất siêu của khu vực này giảm do tốc độ giảm của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu (20,4% so với 13,3%), nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch của cả nước về xuất khẩu đã giảm từ 77,9% xuống còn 75,5%, về nhập khẩu đã tăng từ 57,3% lên 57,5%).

Các yếu tố tác động

Việc chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tốc độ giảm của xuất khẩu lớn hơn tốc độ giảm của nhập khẩu (17,4% so với 13,7%) là nguyên nhân chính. Thực tế, xuất khẩu giảm sâu được nhận diện dưới nhiều góc độ. Cụ thể, trong 2 khu vực, khu vực trong nước giảm thấp hơn (11,3%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn giảm sâu hơn (20,4%). Trong đó, một số mặt hàng của khu vực này có mức giảm (trên 100 triệu USD), như dệt may, giày dép, sắt thép, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Trong 45 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có tới 38 mặt hàng bị giảm, trong đó có 30 mặt hàng giảm sâu hơn tốc độ giảm chung. Đặc biệt có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, sắn và sản phẩm sắn, xăng dầu, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, cao su, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, sắt thép, điện thoại và linh kiện…

Trong 63 tỉnh, thành, có tới 53 địa bàn giảm so với cùng kỳ, trong đó có 9 địa bàn có mức giảm lớn (trên 100 triệu USD), như: Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Long An, Tây Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh. Trong 86 thị trường xuất khẩu, có 65 thị trường giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 9 thị trường có mức giảm lớn (hơn 100 triệu USD) như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hongkong (Trung Quốc), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Thái Lan...

Nhập khẩu giảm nhưng tốc độ giảm ít hơn của xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng còn giảm ít hơn; thậm chí có 11 mặt hàng còn tăng, như: Sữa và sản phẩm sữa, lúa mì, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, phế liệu sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Theo thị trường, có nhiều thị trường giảm ít hơn, thậm chí có một số thị trường còn tăng, như: Ailen, Brunei, Kuwait, Israel, Latvia, Luxembourg, Peru, New Zealand, Philipines, Rumani, Séc, Singapore, Tazania,…

Ngoài yếu tố tổng quát trên, còn có một số yếu tố tức thời, như dịch Covid-2019 làm cho việc xuất, nhập khẩu với một số mặt hàng, một số thị trường những ngày cuối tháng 1 bị dừng lại hoặc bị giảm…

Kỳ vọng vào nửa cuối năm 2020

Từ nhập siêu của tháng 1, nếu các ngành chức năng không có giải pháp điều chỉnh kịp thời, năm 2020 Việt Nam sẽ bị nhập siêu; mức nhập siêu có thể không lớn như mục tiêu của Nghị quyết Quốc hội (8 - 9 tỷ USD), nhưng có thể lớn hơn của năm 2015 (3,8 tỷ USD). Trong điều kiện dịch Covid-2019 diễn ra sẽ làm cho xuất khẩu nói chung, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng bị giảm.

Khi cán cân thương mại thâm hụt sẽ gây ra tác động nhiều mặt. Trực tiếp là tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, từ nông, lâm nghiệp - thủy sản đến công nghiệp dùng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tiếp theo là cán cân thanh toán tổng hợp sẽ khó đạt thặng dư như năm trước, gián tiếp là khó tạo điều kiện cho ổn định tỷ giá. Khi tỷ giá tăng thì dễ làm cho CPI tăng, mặt khác sẽ làm cho hàng nhập khẩu tính bằng VND tăng kép (vừa tăng do hàng nhập tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng)...

Tuy nhiên, bên cạnh cảnh báo cũng có những kỳ vọng do có những yếu tố tác động. Trước hết là sản xuất trong nước từ mấy năm nay đã lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng ở trong nước. Ngoài các yếu tố khác, cũng có yếu tố từ xuất siêu cũng tức là xuất siêu có tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là quyết tâm của Chính phủ và sự cố gắng của các ngành, các cấp, trong đó có ngành y tế, dịch Covid-2019 sẽ sớm được khống chế, khắc phục, tạo điều kiện cho phục hồi tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Tín hiệu đáng mừng khác là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTTP bước vào năm thứ 2 và EVFTA, IPA vừa mới được phê chuẩn, sẽ đưa vào thực hiện vào nửa cuối năm nay sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu gia tăng trở lại.

Đức Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-bao-nhap-sieu-tro-lai-365727.html