Cảnh báo nhập siêu trở lại, xuất khẩu giảm tốc

Nhập siêu đã quay trở lại, với gần 550 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. Đây là động thái rất đáng chú ý, cần theo dõi sát sao để có giải pháp ứng phó một khi tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Câu chuyện đáng lo ngại ở đây không hẳn chỉ là nhập siêu quay trở lại, mà là sự giảm tốc của xuất khẩu.

Câu chuyện đáng lo ngại ở đây không hẳn chỉ là nhập siêu quay trở lại, mà là sự giảm tốc của xuất khẩu.

Hiện chưa quá đáng lo với con số nhập siêu hơn nửa tỷ USD. Lý do là với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào như Việt Nam, thì nhập siêu không phải là chuyện lạ. Thêm nữa, từ đầu năm tới nay, cán cân thương mại của Việt Nam cũng trồi sụt khá thất thường.

Minh chứng là tháng 1/2019, cả nước xuất siêu 750 triệu USD, tháng 2 lại nhập siêu 768 triệu USD, tháng 3 xuất siêu trở lại, với 1,63 tỷ USD và sang tháng 4, tiếp tục nhập siêu 550 triệu USD.

Song đó là những con số tính theo tháng. Do tháng 5, cả nước ước nhập siêu 1,3 tỷ USD, nên tính chung, nền kinh tế đang thâm hụt hơn nửa tỷ USD.

Có một thông tin rất đáng chú ý, đó là qua theo dõi, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, từ năm 2012 đến nay, các tháng 5 luôn là tháng nhập siêu. Chính vì vậy, diễn biến nhập siêu như hiện nay cũng chỉ theo chu kỳ nhập khẩu.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Ở góc nhìn khác, điều này cho thấy tín hiện tích cực cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chuyện Việt Nam nhập siêu 550 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, trong khi xuất siêu tới 2,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm ngoái không hẳn do các doanh nghiệp đang tập trung cho nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đầu vào hay máy móc, thiết bị, mà phần lớn là vì sự giảm tốc của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 19,9 tỷ USD, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD, tăng tới 18,7% so với cùng kỳ 2017.

Trong khi đó, xuất khẩu một loạt mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, gạo giảm mạnh so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu gạo giảm tới 20%; xuất khẩu cà phê giảm 23%, còn xuất khẩu hạt điều giảm 14,1%...

Dù xuất khẩu nhiều mặt hàng, như điện tử, máy tính và linh kiện, giày dép, hàng dệt may… vẫn tăng cao so với cùng kỳ, với mức tăng đều trên 10%, nhưng do xuất khẩu nông sản giảm mạnh, còn điện thoại và linh kiện - mặt hàng chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước - tăng không như kỳ vọng, nên xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ, chưa đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra và cũng ảnh hưởng nhiều tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Bởi thế, câu chuyện đáng lo ngại ở đây không hẳn chỉ là nhập siêu quay trở lại, mà là sự giảm tốc của xuất khẩu. Thêm nữa, qua chuyện xuất khẩu giảm tốc, nhập siêu quay trở lại, càng thấy rõ hơn những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam khi phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí là phụ thuộc lớn vào một doanh nghiệp hay một mặt hàng nào đó.

Bài toán ở đây là làm sao vừa chặn đà giảm tốc xuất khẩu, vừa đa dạng hóa nguồn hàng và thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững. Thêm vào đó, cần nhắc lại rằng, nhập siêu quay trở lại có thể gây áp lực lên tỷ giá, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao, nhưng khi nhập siêu quay trở lại, thì tác động bất lợi không phải là không có. Chưa kể, nhập siêu quay trở lại cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nhiều dự báo cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm 2019 là không dễ.

Chưa quá căng thẳng, chưa quá lo với con số nhập siêu hiện tại, song đây là động thái đáng chú ý, cần hết sức cẩn trọng.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-nhap-sieu-tro-lai-xuat-khau-giam-toc-d101174.html