Cảnh báo nguy cơ từ nền công nghiệp 'xe tự hành, máy bay không người lái'

Chữa bệnh từ xa, xe tự hành, máy bay không người lái, giao thông thông minh, nhà thông minh và thành phố thông minh… những ứng dụng của công nghệ tiên tiến nhưng cũng là mối lo của nền kinh tế.

Thảo luận về tình hình kinh tế và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, ĐB Quốc hội Phạm Trọng Nhân - Bình Dương cảnh báo một làn sóng mạnh mẽ chứa đựng những nguy cơ to lớn nhưng tiềm ẩn những thách thức mà theo ông cần phải được đánh giá một cách sâu sắc ảnh hưởng của nó.

Việc đánh giá này, sẽ làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách và bước đi phù hợp cho quá trình tái cơ cấu kinh tế.

“Điều tôi muốn đề cập chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một kết quả tất yếu và tích cực của nền kinh tế tri thức với những đột phá về công nghệ ứng dụng internet mạnh mẽ và gần như không có giới hạn.” – ông nói.

Nói rõ hơn về cuộc cách mạng này, ĐB cho biết: Thuật ngữ Internet vạn vật gọi tắt là IOT đã không còn xa lạ trên thế giới. IOT dựa trên 4 nền tảng cơ bản là mạng xã hội, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây để triển khai các ứng dụng từ đơn giản như quản lý sản xuất từ xa, chuẩn đoán, chữa bệnh từ xa đến phức tạp hơn là trợ lý ảo, xe tự hành, máy bay không người lái, giao thông thông minh, nhà thông minh và thành phố thông minh.

Trong đó, việc điều hành, quản lý giữa chính quyền và cộng đồng dân cư chủ yếu thông qua không gian mạng đang dần trở nên phổ biến. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi căn bản phương thức sản xuất và sự can thiệp toàn diện của hệ thống máy tính và trí tuệ nhân tạo thông qua internet để kết nối với các thiết bị thông minh đầu - cuối. Các ứng dụng của nó nhằm thay thế những ngành trung gian, các công việc từ đơn giản đến phức tạp được lặp đi, lặp lại, gia công lắp ráp và các dịch vụ hành chính thông thường.

IOT còn đóng vai trò chủ đạo trong việc thay đổi cách thức tạo ra chuỗi giá trị, giúp gia tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm do các ứng dụng công nghệ tự động. Nó được dự báo sẽ tạo ra quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có trong lịch sử.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng: Ảnh hưởng của cuộc cách mạng này nếu nhìn ở một góc độ khác sẽ là một thách thức vô cùng lớn cho nền kinh tế.

ĐB phân tích những thách thức này: Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế trong 2 thập kỷ tới dự báo 56% việc làm ở Đông Nam Á và riêng Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may, gia công lắp ráp có nguy cơ mất việc do ứng dụng các công nghệ tự động. Các lợi thế về lao động chi phí thấp, tài nguyên của nước ta cũng đang dần mất đi bởi sự ra đời của các vật liệu mới, có khả năng tái tạo. Công nghệ nano và tự động hóa những phát kiến này làm cho các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về những nơi có hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, công nhân có kỹ thuật cao và các trung tâm phân phối lớn. Thách thức này có nguy cơ phá vỡ cơ cấu các ngành kinh tế.

Từ phân tích này, ĐB đề nghị chính phủ cần xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng để xác lập các mô hình tăng trưởng cho nền kinh tế trong dài hạn. Những ngành, lĩnh vực và số lao động tham gia có nguy cơ bị thay thế cần đánh giá và định vị lại trong kế hoạch dài hạn.

“Bên cạnh đó, một khi cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ gia tăng kết nối IOT để đáp ứng các yêu cầu phát triển và quản trị của mình thì nguy cơ về an ninh mạng và nhu cầu về kiểm soát an ninh mạng đặt ra cho người dùng và các chủ thể quản lý một trách nhiệm nặng nề.” – ông nói.

ĐB cảnh báo: Những thiết bị và ứng dụng kết nối thông minh qua IT hiện nay đã vượt tầm kiểm soát và khả năng quản lý của Nhà nước. Không có quốc gia nào có thể đứng ngoài những cuộc tấn công mạng, mỗi ngày đang tăng lên cả về số lượng, mức độ tinh vi và cấp độ thiệt hại.

Theo ông, Chính phủ cần phải có cách nhìn toàn diện mang tính hệ thống với những thách thức này để có những đối sách cho phù hợp. Trước đây, ổn định an ninh chính trị là cơ sở đảm bảo cho phát triển kinh tế thì trong cuộc cách mạng này việc ổn định và đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.

“Vì vậy, một chính sách đầu tư đủ mạnh để đảm bảo an toàn thông tin mạng và căn cơ hơn là một tầm nhìn để giáo dục, đào tạo và chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ để có đủ sức làm chủ cuộc chơi, thiết nghĩ cũng cần phải được quan tâm một cách thỏa đáng.” ĐB đề nghị.

Vân Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/canh-bao-nguy-co-tu-nen-cong-nghiep-xe-tu-hanh-may-bay-khong-nguoi-lai-303313.html