Cảnh báo nguy cơ trẻ em nhập viện vì nắng nóng kéo dài

Thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài khiến nhiều trẻ em phải nhập viện trong những ngày qua tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

Với nhiệt độ ngoài trời gần 40°C, khiến trẻ em và người lớn đều vật vã với nắng nóng. Những ngày gần đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đông nghẹt người vì rất nhiều gia đình đưa con em đến khám bệnh.

Tại Khoa Nhi nội tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi) sáng ngày 25-4, đã tiếp nhận 36 bệnh nhi, hiện tại tổng số bệnh nhi tại Khoa đã đến 178 bệnh nhi. Trong khi đó, Khoa chỉ có 22 phòng bệnh với 120 giường, do vậy, các bệnh nhi phải nằm chung giường với nhau, tiếp nhận điều trị.

Các bệnh nhi được cha mẹ đưa đến Khoa Nhi sáng 25-4. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các bệnh nhi được cha mẹ đưa đến Khoa Nhi sáng 25-4. Ảnh: NGUYỄN TRANG

BS. Trà Thị Thanh Vân, Trưởng Khoa Nhi nội tổng hợp cho biết: “Số bệnh nhi nhập viện trong ngày nắng nóng tăng 30-40% so với ngày thường. Các bệnh chủ yếu là tiêu hóa, hô hấp. Nắng nóng kéo dài còn cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trở lại”.

Theo BS. Vân, trẻ em có sức đề kháng thấp, mức độ giữ thân nhiệt thấp hơn, do vậy, khi trẻ tiếp xúc nắng nóng trong thời gian dài hoặc ra ngoài trong nhiệt độ cao thường dẫn đến các bệnh tiêu hóa, hô hấp. Trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn, sổ mũi…phải lập tức đưa đến bệnh viện điều trị.

Do lượng bệnh nhi lớn, trong khi đó giường bệnh không đủ đáp ứng, do vậy, khi hoàn thành điều trị 3-5 ngày, các bệnh nhi được xuất viện về nhà, điều trị tại nhà.

Đối với một số bệnh như tiêu chảy, hô hấp thì phải cách ly để tránh lây lan trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

Người nhà các bệnh nhi túc trực phía ngoài phòng bệnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, các nguy cơ về bệnh tay chân miệng là rất cao. Trong sáng 25-4, có 21 bệnh nhi nhập viện tại Khoa Nhiệt đới, trước đó ngày 24-4 có 20 bệnh nhi nhập viện.

BS. Đỗ Duy Thanh cho biết: “Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm. Tuy nhiên với tình trạng nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi, có thể dẫn đến tăng nguy cơ virus đường ruột phát triển, EV71,…gây ra các bệnh tay chân miệng”.

Các em nhỏ khi chơi đùa với nhau có thể lây lẫn nhau, khi phát hiện các em có biểu hiện bóng nước lòng bàn tay, chân, nổi hạch miệng, đầu gối, mông,…Các biểu hiện khác như sốt cao, nôn, giật mình,…cần lập tức đưa đến bệnh viện điều trị.

BS. Thanh cho biết, đa phần các em nhỏ dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao hơn, do vậy, các em phải được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để tránh mắc các bệnh về da.

Để giúp trẻ hạn chế mắc bệnh vào nắng nóng, các bác sĩ khuyên, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ em đi ra đường vào thời điểm nắng gắt, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là cung cấp nước, đề phòng mất nước ở trẻ nhỏ.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-bao-nguy-co-tre-em-nhap-vien-vi-nang-nong-keo-dai-589348.html