Cảnh báo nguy cơ suy tim, tai biến, đột quỵ

Sự thay đổi của thời tiết, nhất là khi trở rét đậm, rét hại đột ngột tác động rất lớn đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo cơ hội cho các bệnh, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trời lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến... tăng cao hơn so các mùa khác.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới

Theo Tổ chức đột quỵ thế giới (WSO) trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạch máu - thần kinh mà điển hình là những cơn đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân gây tàn tật ở người trưởng thành. Hiện có khoảng 17 triệu người đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng nặng nề.

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Đông thời tiết lạnh buốt, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến... tăng cao hơn so các mùa khác.

Đột quỵ là tình trạng suy giảm chức năng của não một cách đột ngột, vùng não bị ảnh hưởng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết dẫn đến bị tổn thương. Thời tiết lạnh giá khiến mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp nên lưu lượng máu đến não giảm. Mặt khác, huyết áp dễ tăng cao dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch.

Với người bị xơ vữa động mạch, nguy cơ mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ. Thực tế, không ít người bị đột quỵ lúc sáng sớm 4-5 giờ sáng, vì dậy đi vệ sinh, gặp gió lạnh dẫn đến tai biến. Trong trường hợp này, nhiều người tưởng mình bị cảm, gọi người nhà đánh gió sẽ rất nguy hiểm bởi việc cạo gió, uống nước đường, nước gừng giải cảm sẽ càng khiến cho việc chảy máu nặng thêm.

Thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định đến sự sống chết của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bị đột quỵ nhẹ có thể để lại các di chứng như chân tay run rẩy, đi lại khó khăn; nặng thì nằm liệt hoặc tử vong.

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách: Để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Muốn phòng chống đột quỵ, người già và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần chú ý kiểm soát huyết áp, cholesterol của mình, ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Mùa Đông khi ra ngoài phải mặc ấm, không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm, khi trời còn lạnh; khi cần phải ra ngoài nhất thiết phải mặc đủ ấm.

Theo BS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) đột quỵ não đã và đang gây ra nhiều hệ lụy như yếu hoặc liệt tay chân; nửa hoặc toàn thân; mặt và rối loạn lời nói, tri thức, tư duy, cảm xúc…

Đặc biệt đột quỵ não còn để lại các biến chứng rất nguy hiểm như rối loạn nuốt gây nguy cơ sặc; viêm phổi, nhiễm trùng, loét da, viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ và suy dinh dưỡng….

Từ một người bình thường khi trải qua cơn đột quỵ não họ trở thành tàn phế, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân; là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội. “Theo thống kê chỉ 25-30% người sau đột quỵ có thể tự đi lại phục vụ chính mình, 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác” - bác sĩ Khanh đánh giá.

Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa

Theo các chuyên gia y tế số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tì đè,…

Theo BS Khanh, sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là do các yếu tố nguy cơ liên quan trong đó có lối sống hiện đại và bệnh mãn tính. Ở Việt Nam hiện nay đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở cả nam và nữ, ở độ tuổi dưới 30 thậm chí có cả sinh viên. Nguyên nhân, cơ bản theo BS Khanh là do tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… đây đều là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.

BS Khanh lưu ý, đột quỵ não để lại rất nhiều biến chứng nặng nề. Vì vậy, phục hồi sức năng sau đột quy não rất quan trọng. Hiện nay, các thành tựu về cấp cứu và can thiệp giai đoạn cấp ở Việt Nam tương đối phát triển và tiếp cận với thế giới. Nhiều trung tâm đột quỵ của Việt Nam thành lập ở các tỉnh, thành.

Nếu bệnh nhân phát hiện sớm, đến bệnh viện kịp thời sẽ được cứu sống và tỷ lệ hồi phục cao. Tuy nhiên, người ta cho rằng, khi bị đột quỵ, ảnh hưởng chức năng lớn, để lại di chứng lớn đến 90% các loại biến chứng về vận động, thần kinh, cơ xương khớp, tâm lý.

BS Khanh khuyến cáo, công tác xử lý bệnh nhân không chỉ can thiệp, cứu sống ban đầu mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để đảm bảo cho họ cải thiện được các khiếm khuyết, hòa nhập với xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay cả bệnh nhân được cứu sống, người ta thống kê khoảng 25% hồi phục hoàn toàn, 50% phụ thuộc một phần, và 25% là hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.

Minh Thùy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-nguy-co-suy-tim-tai-bien-dot-quy-550904.html