Cảnh báo nguy cơ phong tỏa trở lại

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19, ngày 6-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus cảnh báo, các nước vẫn có nguy cơ thực hiện phong tỏa trở lại, nếu không giám sát quá trình nới lỏng quy định một cách thận trọng và theo từng giai đoạn. WHO nhắc lại những khuyến nghị, nhất là bảo đảm người dân tiếp tục 'hoàn toàn hợp tác' chống dịch sau khi phong tỏa dỡ bỏ.

* Cùng ngày, một số nước châu Âu đồng loạt đưa thông tin tích cực về kiểm soát dịch bệnh. Ireland thông báo “gần như thoát khỏi dịch”, khi 97% số ca nhiễm Covid-19 đã bình phục. Cơ quan y tế Đan Mạch nhận định, dịch Covid-19 nhiều khả năng “tự biến mất”, song điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

* Thủ tướng Đức A.Merkel và Thủ hiến các bang họp trực tuyến về việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nhiều tuần qua. Thủ tướng Merkel đánh giá, Đức đã đạt mục tiêu làm chậm sự lây lan của dịch bệnh; các cửa hàng tại Đức được phép mở cửa, nhưng tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh.

* Thủ tướng Anh B.Johnson cho biết, sẽ công bố chiến lược “giai đoạn hai” trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó dần gỡ bỏ biện pháp hạn chế từ ngày 11-5. Theo đó, các hoạt động ngoài trời được phép nối lại và một số doanh nghiệp được khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, Anh duy trì các biện pháp kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu và xem xét áp dụng cách ly tập trung với tất cả người nhập cảnh.

* Quốc hội Serbia quyết định gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm. Chính phủ Hà Lan công bố lộ trình thực hiện nới lỏng hạn chế từ ngày 1-6, theo đó các nhà hàng có thể nối lại kinh doanh nếu bảo đảm được giãn cách. Slovakia cũng mở cửa lại nền kinh tế sau khi các số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước này thấp nhất châu Âu.

* Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã kiểm soát và hoàn tất giai đoạn một chống dịch. Số ca nhiễm mới và số người chết do Covid-19 mỗi ngày đã giảm. Ankara công bố lộ trình nới lỏng các hạn chế, theo đó, trung tâm thương mại mở cửa trở lại từ ngày 11-5, song hạn chế số lượng khách.

* Trong khi đó, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua đề xuất của Thủ tướng P.Sanchez về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần. Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh, đây là biện pháp duy nhất để bảo đảm khôi phục hoạt động của người dân và nền kinh tế một cách an toàn và bền vững.

* Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Nga cho biết, đến trưa 7-5, nước này ghi nhận thêm 11.231 trường hợp nhiễm bệnh, kỷ lục mới về số người mắc Covid-19 trong một ngày. Tổng số người nhiễm tại Nga là hơn 177.000 người, trong đó thủ đô Moscow là tâm dịch với hơn 92.600 ca.

* Tại châu Á, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong và ca nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày 6-5. Tuy nhiên, có hai ca nhiễm mới từ nước ngoài được xác nhận ở Thượng Hải và Quảng Đông. Trong ba ngày liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận mức dưới năm ca nhiễm mỗi ngày.

* Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Singapore đã vượt qua đỉnh dịch, khi trong 13 ngày qua số ca nhiễm mới mỗi ngày đã xuống dưới 1.000 người. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn dự báo tổng số ca nhiễm có thể tới 40.000 người vào cuối tháng này, gấp đôi con số được ghi nhận đến ngày 6-5.

* Thủ tướng Thái-lan P.Chan-ô-cha tuyên bố, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn phải được tuân thủ chặt chẽ sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Thủ tướng Thái-lan khuyến cáo người dân chỉ có mặt tại các trung tâm mua sắm không quá hai giờ và phải kiểm tra thân nhiệt trước khi vào các cửa hàng.

* Tổng thống MỹD.Trump cho biết, nhóm đặc nhiệm chống dịch Covid-19 của Nhà trắng sẽ chuyển trọng tâm hành động sang khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống xã hội. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đồng thời cảnh báo việc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể làm gia tăng số ca tử vong do Covid-19.

* Nhà chức trách Brazil ngày 6-5 xác nhận thêm hơn 10.500 trường hợp nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ, cao hơn nhiều mức kỷ lục được ghi nhận hôm 30-4 (hơn 7.200 ca nhiễm mới). Có 615 ca tử vong, tăng so kỷ lục 600 ca hôm 5-5.

* Tổng thống Argentina A. Fernandez cảnh báo nguy cơ bùng phát “làn sóng Covid-19 thứ hai”, nếu lệnh cách ly xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn. Chính phủ tiếp tục duy trì biện pháp cách ly tới cuối tháng 5, sau đó mới cân nhắc quyết định tiếp theo dựa trên tình hình thực tế.

* Bên cạnh Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh cao nhất, nhiều nước châu Phi, như Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal..., cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, liên tiếp trong nhiều ngày qua. Hai tuần gần đây, mỗi ngày Algeria luôn có hơn 100 ca nhiễm mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44388102-canh-bao-nguy-co-phong-toa-tro-lai.html