Cảnh báo nguy cơ mất an toàn các hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên

Hiện nay, theo số liệu thống kê Tây Nguyên có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng xuống cấp. Đây là mối nguy hại rất lớn.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa kết thúc đợt kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Qua đó, phát hiện trên địa bàn hiện có gần 200 công trình xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi kiểm tra hồ chứa nước ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi kiểm tra hồ chứa nước ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

PV: Thưa ông, kết thúc đợt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên, xin ông cho biết tình hình cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh:Tây Nguyên là vùng có nhiều hồ chứa, trong đó có rất nhiều hồ chưa hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy chúng tôi ưu tiên đi kiểm tra vùng Tây Nguyên, đây cũng là vấn đề trọng tâm về công tác an toàn đập, hồ chứa nước. Hiện nay, theo số liệu thống kê vùng Tây Nguyên có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng xuống cấp. Đây là mối nguy hại rất lớn.

Trong đó chúng tôi xin lưu ý các hồ chứa vừa và nhỏ; có thể nói 100 % là đập đất, đây là nhóm đặc biệt cần phải lưu ý. Bởi vì thứ nhất các hồ chứa nay đã được xây dựng từ lâu, không đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, đặc biệt trong nhiều năm thiếu kinh phí để mà sửa chữa nâng cấp. Cho nên có thể nói chất lượng thân đập rất kém.

Các hồ chứa này cơ bản là giao cho các địa phương, cấp huyện, cấp xã. Ở Tây Nguyên có thể là giao cho Tổng công ty cà phê cũng như là các đơn vị quân đội, công an và các cơ quan khác quản lý. Có thể nói đây là nhóm đối tượng cơ bản là không đáp ứng được yêu cầu năng lực. Chúng tôi đánh giá đây là một vấn đề rất đáng lo lắng, tiềm ẩn nguy cơ có thể nói là mất an toàn rất cao.

PV: Thưa ông, qua đợt kiểm tra này, ông có lưu ý gì đối với các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong khu vực Tây Nguyên?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Qua công tác kiểm tra ở các địa phương, chúng tôi đánh giá các địa phương rất tích cực. Tuy nhiên, trước tình hình rất nhiều hồ chứa hư hỏng xuống cấp đồng thời trước diễn biến cực đoan của khí hậu thời tiết, vì vậy chúng tôi đề nghị các địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo an toàn tập hồ chứa nước.

Chúng tôi đề nghị các địa phương cần phải ra soát lại tổng thể về thực trạng về an toàn hồ chứa, để chúng ta có một kế hoạch tổng thể sửa chữa. Đối với những công trình hư hỏng xuống cấp thì cần phải bố trí ngày kinh phí của địa phương để sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý và trong đó chúng tôi nhấn mạnh các địa phương chỉ giao cho các đơn vị có đủ năng lực được quản lý các công trình hồ chứa như thế này.

Còn lại, chúng ta cũng phải thường xuyên nâng cao năng lực đặc biệt là công tác đào tạo tập huấn cho các đối tượng được giao quản lý các công trình hồ chứa. Vấn đề thứ hai là chúng tôi đề nghị các địa phương tuyệt đối không được tích nước hoặc tích nước hạn chế đối với các hồ chứa hư hỏng xuống cấp không đảm bảo an toàn.

PV: Với tình như ông vừa nêu thì sự quan tâm của Chính phủ cũng như các bộ ngành Trung ương đối với an toàn đập, hồ đập thủy lợi ở Tây Nguyên như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Cũng chính vì các hồ chứa hư hỏng xuống cấp như vậy, cho nên có thể nói trong thời gian qua Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước. Chúng ta cũng đã có kế hoạch đưa vào trong dự án WB8 khoảng 450 hồ chứa. Gần đây Thủ tướng chính phủ cũng đã hỗ trợ 500 tỷ đồng để tu sửa nâng cấp các hồ chứa có hư hỏng nghiêm trọng, để đảm bảo an toàn.

Như vậy, chúng ta còn khoảng 700 hồ chứa chưa có kinh phí, vì vậy chúng tôi đề nghị các địa phương cần phải có kế hoạch tổng thể, kể cả trước mắt và lâu dài tu sửa nâng cấp các hồ chứa để bảo an toàn. Ngoài việc bố trí kinh phí cần phải tăng cường công tác quản lý”.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Quốc Học/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/canh-bao-nguy-co-mat-an-toan-cac-ho-chua-thuy-loi-o-tay-nguyen-807268.vov