Cảnh báo nguy cơ gia tăng lao động trẻ em do đại dịch Covid-19

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới đây nhấn mạnh một thực tế: Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng nghèo đói và do đó làm tăng lao động trẻ em khi các hộ gia đình sử dụng mọi phương tiện có sẵn để tồn tại.

Đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng nghèo đói và do đó làm tăng lao động trẻ em

Đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng nghèo đói và do đó làm tăng lao động trẻ em

Đại dịch Covid-19 “tàn phá” thu nhập gia đình

Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng đầu tiên của lao động trẻ em sau 20 năm tiến triển đáng kể. Lao động trẻ em đã giảm 94 triệu kể từ năm 2000, nhưng thành quả này đang bị đe dọa với nguy cơ gia tăng hiện hữu.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết khi đại dịch Covid-19 “tàn phá” thu nhập gia đình, không có được sự hỗ trợ, nhiều người có thể dùng đến lao động trẻ em. Bảo vệ xã hội là rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng vì nó cung cấp hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Việc tích hợp các mối quan tâm về lao động trẻ em vào các chính sách rộng hơn về giáo dục, bảo trợ xã hội, công bằng, thị trường lao động, nhân quyền và quyền lao động quốc tế giúp tạo nên sự khác biệt quan trọng. Báo cáo tóm tắt nhấn mạnh Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng nghèo đói và do đó làm tăng lao động trẻ em khi các hộ gia đình sử dụng mọi phương tiện có sẵn để tồn tại.

Một số nghiên cứu cho thấy nghèo đói cứ tăng 1% dẫn đến việc tăng ít nhất 0,7% lao động trẻ em ở một số quốc gia. Trẻ em có thể bị buộc làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn. Nhiều người trong số họ có thể bị ép buộc vào các hình thức lao động tồi tệ nhất, gây ra tác hại đáng kể cho sức khỏe và sự an toàn của trẻ em.

Gia tăng lao động trẻ em

Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cũng cho rằng trong thời kỳ khủng hoảng, lao động trẻ em trở thành cơ chế đối phó với nhiều gia đình. Khi nghèo đói tăng lên, các trường học đóng cửa và các dịch vụ xã hội sẵn có giảm xuống, nhiều trẻ em bị đẩy tham gia vào lực lượng lao động. Giáo dục chất lượng, dịch vụ bảo trợ xã hội và cơ hội kinh tế tốt hơn có thể là yếu tố thay đổi điều này.

“Trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, lao động trẻ em trở thành cơ chế đối phó với nhiều gia đình. Khi nghèo đói tăng lên, các trường học đóng cửa và các dịch vụ xã hội sẵn có giảm xuống, nhiều trẻ em bị đẩy tham gia vào lực lượng lao động”.

Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore

Các nhóm dân số dễ bị tổn thương, như những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và lao động nhập cư, sẽ phải chịu đựng nhiều nhất từ suy thoái kinh tế, gia tăng thất nghiệp, mức sống chung giảm, các cú sốc về sức khỏe và hệ thống bảo trợ xã hội không đủ cùng một số áp lực khác.

Hiện có những bằng chứng chứng tỏ rằng lao động trẻ em đang gia tăng khi các trường học đóng cửa trong đại dịch. Việc đóng cửa trường tạm thời hiện đang ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh, sinh viên ở hơn 130 quốc gia. Ngay cả khi các lớp học khởi động lại, một số phụ huynh có thể không còn đủ khả năng để gửi con đến trường. Kết quả là nhiều trẻ em có thể bị buộc phải làm những công việc bóc lột và nguy hiểm.

Sự bất bình đẳng giới có thể ngày càng gay gắt với các em gái đặc biệt dễ bị lợi dụng trong ngành Nông nghiệp và công việc nội địa. Báo cáo tóm tắt cũng đề xuất một số biện pháp để chống lại nguy cơ gia tăng lao động trẻ em bao gồm bảo trợ xã hội toàn diện hơn, tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn cho các hộ nghèo, thúc đẩy công việc ổn định cho người lớn cùng với các biện pháp đưa trẻ em trở lại trường học.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang phát triển mô hình mô phỏng xem xét tác động của Covid-19 đối với lao động trẻ em trên thế giới. Những đánh giá mới về lao động trẻ em toàn cầu sẽ được công bố vào năm 2021.

Hải Long (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/canh-bao-nguy-co-gia-tang-lao-dong-tre-em-do-dai-dich-covid19/857062.antd