Cảnh báo nguy cơ 'chuyển tải' hàng nông sản

Trong đợt 3 của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, mặt hàng nông lâm thủy sản chịu không ít tác động. Nguy cơ nông sản Trung Quốc vào Việt Nam để gắn mác Việt rồi xuất sang Mỹ ngày càng là nỗi lo lớn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không vì lợi ích riêng mà tiếp tay để làm hại cả ngành, hại cả đất nước.

Nguy cơ nông sản Trung Quốc vào Việt Nam để gắn mác Việt rồi xuất sang Mỹ ngày càng là nỗi lo lớn. Nguồn: Internet

"Nếu như doanh nghiệp (DN) trong nước làm theo kiểu đưa khoai tây Trung Quốc sang Việt Nam nhuộm đất rồi "đội lốt" khoai tây Đà Lạt để xuất khẩu sang Mỹ là sẽ tự giết mình. Nếu các hàng hóa nông sản khác mà cũng làm như kiểu này để xuất khẩu là làm hại cả quốc gia", TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cảnh báo như vậy tại Hội thảo "Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Triển vọng và rủi ro với DN xuất nhập khẩu Việt Nam" diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 24/10.

Nỗi lo hàng chuyển tải

Theo ông Lịch, đây là vấn đề cần phải được cảnh báo sớm, khi đã từng xảy ra trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Chính phủ cần quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, tự mình phải quản lý, đừng để đến khi phía Mỹ kiểm tra, cảnh báo.

Trên thực tế, trong thương mại quốc tế, nông lâm thủy sản luôn là nhóm hàng nhạy cảm vì ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3 mới đây, nông sản, thủy sản và lương thực phẩm chế biến chỉ có giá trị 5,3 tỷ USD, chiếm 2,7%.

Thế nhưng, việc nông thủy sản Trung Quốc có thể "đội lốt" hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ vẫn là nguy cơ cần cảnh báo. TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng đối với Việt Nam, khi thuế trừng phạt đợt 3 của Mỹ đối với Trung Quốc có hiệu lực, nông thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu nhiều tác động.

"Transhipment – hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát chuyện này thì sẽ làm cho Việt Nam thành tâm điểm để Mỹ nhắm đến", ông Thành lưu ý.

Theo ông Thành, điều này đã từng xảy ra với sản phẩm thép, như hồi năm ngoái khi phía cơ quan thương mại Mỹ kết luận đó là hàng chuyển tải, tức là thép Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt, mặc dù đã có công đoạn sơ chế nhưng không thỏa mãn quy định về xuất xứ hàng hóa.

"Kết quả là chúng ta đã phải chịu mức thuế trừng phạt lên tới 450%. Đây là rủi ro rất lớn, không chỉ nguy cơ Mỹ áp thuế trừng phạt với hàng chuyển tải mà có thể là cái cớ để họ có thể đưa Việt Nam vào tầm ngắm trong chiến lược bảo hộ thương mại của mình", ông Thành nhấn mạnh.

Trong 13 tỷ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tương tự như hàng Trung Quốc chịu thuế 10%, nông sản và thủy sản (kể cả sản phẩm chế biến) có giá trị 2,9 tỷ USD, chiếm tới 22,1%, chỉ đứng sau hàng nội thất.

Không "tiếp tay"

Phân tích biểu đồ cơ cấu 2,9 tỷ USD hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Mỹ và cạnh tranh với hàng Trung Quốc (tương tự các dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế suất thêm 10% như thủy sản, hạt điều, mật ong, gạo, rau quả, thức ăn gia súc, nông sản khác…), ông Thành cho biết mặt hàng thủy sản sẽ là nhóm hàng hưởng lợi nhất từ việc các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc chịu thuế cao hơn.

Đặc biệt là các sản phẩm tôm của Trung Quốc xuất sang Mỹ chịu thuế suất 10%, dự kiến với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khoảng 200 triệu USD giá trị kim ngạch tôm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt giảm khi có tác động thuế cao hơn.

Trong khi đó, sản phẩm tôm lại là mặt hàng lớn của Việt Nam xuất sang Mỹ. Đây sẽ là tiềm năng rất lớn để các DN Việt có thể tăng cường xuất khẩu những mặt hàng này.

Ngoài ra, nhóm hàng đồ gỗ nội thất cũng được cho là chịu nhiều tác động. Mặt hàng này từ Trung Quốc xuất sang Mỹ là hơn 32 tỷ USD. Các ước tính định lượng cho thấy nếu như Trung Quốc chịu thuế suất 10% và đến cuối năm nay sẽ tăng lên khoảng 25% thì mức suy giảm đồ gỗ nội thất của nước này có thể lên đến 7 tỷ USD.

Đây cũng là sản phẩm mà Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn ra thị trường thế giới, đặc biệt là sang thị trường Mỹ. Đổi lại, với những DN Việt sản xuất sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa mà các sản phẩm này lại tương đồng với những sản phẩm mà Trung Quốc không xuất được nhiều sang Mỹ mà phải xuất sang các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Đơn cử như cùng mặt hàng đồ gỗ nội thất nhưng đối với mặt hàng không xuất khẩu mà dùng cho nội địa, các DN Việt trong ngành này sẽ chịu áp lực nhiều hơn từ đồ gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tương tự như vậy là mặt hàng nông sản chế biến từ Trung Quốc khi giảm xuất sang Mỹ cũng sẽ gia tăng vào Việt Nam khiến các DN nông sản trong nước càng chật vật đối phó hơn.

Trước nguy cơ nông sản và các loại hàng hóa khác của Trung Quốc gắn mác Việt để xuất sang Mỹ, trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Chúng ta phải kiểm soát, đừng để rơi vào tình trạng là "mượn đường" để chuyển từ sản phẩm Trung Quốc vốn đã từng xảy ra ở những dạng khác nhau".

Để tăng khả năng kiểm soát chuyện "gắn mác", theo ông Lịch, cộng đồng DN không vì lợi ích riêng mà "tiếp tay". Hơn nữa, về phía Nhà nước cũng nên ban hành những chuẩn mực trong từng lĩnh vực về quy tắc xuất xứ hàng hóa, về tỷ lệ nội địa hóa nhằm ngăn ngừa chuyện này.

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/canh-bao-nguy-co-chuyen-tai-hang-nong-san-152195.html