Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V tại 23 tỉnh, thành phố

Hiện cả nước có 23 tỉnh, thành phố có rừng, gồm: Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh (khu vực Đông Nam Bộ); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk (khu vực Tây Nguyên); Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang (khu vực Tây Nam Bộ) đang cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Cục Kiểm lâm đề nghị chính quyền, các lực lượng bảo vệ rừng và chủ rừng các địa phương nói trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Hậu Giang đã nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

* Chiều 29-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh (43.500 ha) đã có hơn 39.000 ha báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô, nhất là thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, tăng cường lực lượng ứng trực, canh lửa và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, máy móc. Tuy nhiên, lo nhất hiện nay là kênh rạch khô cạn, nguy cơ thiếu nước chữa cháy nếu có cháy lớn.

* Theo cảnh báo, tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) một số khu vực rừng có khả năng cháy lớn, lan tràn nhanh cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) gồm: Gò Cát, Gò Trâu, Gò Lau Vôi, Gò Tre ở phân khu A1, đây là những nơi tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp, khu dân cư.

* Hiện tại đồng bằng sông Cửu Long đã có 12 trong 13 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của hạn, mặn cường độ ngày càng cao. Hạn mặn không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp của vùng, còn khiến hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt.

* Bến Tre là một trong những tỉnh đang chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre thì độ mặn tràn vào đồng ruộng chỉ tăng chứ không giảm. Với ngưỡng độ mặn cao, hầu hết diện tích sản xuất lúa đều thiệt hại hoàn toàn. Người dân Bến Tre bằng kinh nghiệm quan sát con nước, đang dần chuyển đổi từ lúa sang trồng dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, vừa có giá trị cao hơn, vừa giúp ứng phó hạn, mặn gay gắt.

* Tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều nông dân cũng đã linh hoạt tìm phương hướng sản xuất phù hợp điều kiện thời tiết. Với kinh nghiệm sản xuất của nông dân, đây không phải là sự chuyển đổi lâu dài, nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu mưu sinh, ứng phó với thời tiết hiện nay. Theo UBND xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, nhằm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay, xã cũng đã triển khai những vùng đất trồng hoa màu như dưa hấu, ngô để ứng phó biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi này cũng được nông dân đồng tình thực hiện.

* Tính đến ngày 28-3 đã có hơn 408 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kon Tum bị khô hạn, trong khi hiện tại mực nước tại các sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã xuống ở mực nước chết. Nhiều trạm bơm công suất lớn đặt ở các nhánh sông đã không thể vận hành do mực nước sông xuống thấp hơn cửa nhận nước.

* Tại Quảng Nam, nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh đang nỗ lực xây dựng các công trình ngăn mặn để giữ ngọt trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn.

* Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các mô hình sản xuất giống cây bưởi da xanh tại xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước thực hiện tưới nhỏ giọt. Theo đó, trung tâm hỗ trợ 50% giống cây bưởi và vật tư thuốc bảo vệ thực vật trong năm đầu. Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi, vừa khắc phục được khô hạn vừa giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định hơn.

* Cảng cá Phước Tỉnh là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng gần đây, cửa biển khu vực này bị bồi lấp, khiến nhiều tàu cá bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm. Mới đây nhất đã có hai tàu cá gặp nạn khi cố vượt qua khu vực này để vào cảng. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng tìm giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bồi lấp gây ra.

* Nắng nóng kéo dài khiến mực nước của các hồ chứa tại tỉnh Quảng Ngãi xuống thấp. Trong số 21 hồ chứa do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý, hiện có sáu hồ dung tích hữu ích thấp hơn 50%. Riêng hồ chứa nước Hóc Dọc (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) dung tích hữu ích chỉ còn 7% và hồ chứa nước Liệt Sơn (phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ) dung tích hữu ích chỉ còn gần 22%.

* Đê hữu Lục Nam xã Yên Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bị sạt lở ở hai vị trí. Vị trí 1 từ K13+990 - K14+040 xuất hiện nhiều vết nứt từ 10 - 30 cm, ăn sâu vào bãi khoảng 7 - 10 m, kéo dài khoảng 50 m. Vị trí số 2 từ K14+070-K14+160 chiều dài đoạn sạt lên tới 90 m và khoét vào bãi khoảng 4 - 6 m.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43832502-canh-bao-nguy-co-chay-rung-cap-v-tai-23-tinh-thanh-pho.html