Cảnh báo nguy cơ bệnh Gout trở nặng trong mùa hè

Mọi người thường lầm tưởng bệnh Gout chỉ tái phát khi thời tiết vào đông. Nhưng thực tế cho thấy bệnh có xu hướng trẻ hóa và có tỷ lệ tăng vào mùa hè đều bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh.

Bệnh Gout hay còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp đột ngột gây ra hiện tượng sưng đỏ và đau ở các khớp. Nguyên nhân chính là do lượng axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp. Bệnh khởi phát do nồng độ axit uric trong máu cao, sau đó lắng đọng trên bề mặt khớp.

Một số loại thực phẩm người bệnh Gout nên tránh xa

Một số loại thực phẩm người bệnh Gout nên tránh xa

Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ tăng cao cũng là lúc nhiều người thích ăn các món ăn như thịt nướng, kèm theo đó là một chai bia mát lạnh. Mặc dù đem lại cảm giác ăn uống sảng khoái nhưng lại cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nặng.

Trong bia có chưa hàm lượng purin cao, khi vào cơ thể có khả năng làm giảm đào thải acid uric qua đường tiểu. Lượng acid uric không được đào thải sẽ kết tinh và lắng đọng trong cơ thể, mà điển hình là tại các khớp, gây đau đớn và hình thành viêm khớp cấp và mạn tính. Do đó, dù có thèm đến mấy, người mắc bệnh Gout cũng không nên tiêu thụ quá nhiều bia rượu.

Người bệnh Gout cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, giảm chất đạm, tăng xơ

Thêm vào đó, thời tiết nóng nực, cơ thể có thể bị mất nước, khiến nồng đồ acid uric tăng lên nhanh chóng. Nước là tác nhân giúp làm loãng lượng acid uric trong cơ thể, uống nước sẽ giúp acid uric được đào thải qua thận dễ dàng hơn. Nhờ đó nồng độ acid uric trong máu giảm cũng hạn chế được cơn Gout cấp tái phát. Thông thường, mỗi người cần uống 1,5-2l nước mỗi ngày, song người bị Gout lưu ý không uống quá nhiều nước sẽ gây áp lực cho thận.

Không thể phủ nhận lợi ích từ việc tập luyện thể thao trong ngày hè, tuy nhiên với bệnh nhân Gout, tập luyện quá sức sẽ là nguyên nhân làm bệnh tái phát.

Đồng thời việc giảm nhiệt độ đột ngột có thể gây ra tinh thể acid uric để thúc đẩy cơn đau Gout cấp. Việc ngủ trong điều hòa có nhiệt độ thấp, gió thổi trực tiếp vào cơ thể, sẽ khiến các ngón tay, chân người bệnh sưng đau nhiều hơn.

Tránh các loại hoa quả chua, đồ lên men, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn bởi chúng có thể làm tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể.

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, có một số thực phẩm chứa hàm lượng purine cao, có thể khiến nồng độ acid uric gia tăng như: thịt đỏ, nội tạng động vật, cá có hàm lượng chất béo cao, súp lơ, nấm… Những thực phẩm này nếu người bệnh tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, bài tiết của thận, rối loạn chức năng phân hủy acid uric.

*Kiêng tuyệt đối những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như : Hải sản, các loại thịt có màu đỏ như: Thịt trâu, bò, ngựa, thịt dê…; Nội tạng động vật như : Lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc…; Trứng gia cầm nói chung, nhất là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn…

*Giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác trong khẩu phần ăn như :

+ Đạm động vật nói chung như: Thịt lợn, thịt gà, thịt vịt…; Cá và các loại thủy sản như: lươn, cua, ốc, ếch…

+ Đạm thực vật: Đậu hạt nói chung nhất là các loại đậu ăn cả hạt như : đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh…,Các chế phẩm từ đậu nành như : Đậu phụ, sữa đầu nành, tào phớ… nhìn chung ít làm tăng acid uric hơn các loại đậu chưa chế biến.

* Kiêng tất cả các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như : Măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, bạc hà (dọc mùng) vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

+ Giảm các thực phẩm giàu chất béo no như : Mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay, thực phẩm chế biến với các chất béo no như: Mì tôm, thức ăn nhanh.

+ Bệnh nhân Gout có tầm vóc trung bình 50 kg không nên ăn quá 100g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

Người bệnh phải luôn kiểm soát chế độ ăn uống của mình. Một chế độ ăn lành mạnh, ít muối, ít dầu, ít đường, nhiều trái cây và rau quả tươi sẽ giúp ổn định axit uric của cơ thể. Các thực phẩm giàu chất xơ nói chung như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm thoái hóa biến đạm để sinh năng lượng, giảm sự hình thành acid uric.

Tăng cường các loại thực phẩm thảo dược có chức năng đào thải axit uric trong máu ra ngoài như cherry, dâu tây, cải bẹ xanh, cam, lá sake. Nên thay thế các loại mỡ động vật bằng dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng... để giảm lượng chất béo. Khi chế biến nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế tối đa các món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.

Tránh uống rượu bởi rượu làm gia tăng sự tạo axit uric trong gan và ngăn cản thận thải axit uric

Tinh bột và thực phẩm giàu carbohydrate là loại thực phẩm quan trọng đối với người bệnh Gout, bởi nó chứa một lượng purin an toàn. Chúng có chức năng làm giảm và hòa tan acid uric trong nước tiểu. Vì vậy, người bệnh có thể lựa chọn ăn mì, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì....

Đặc biệt cần hạn chế tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn. Nói không với nước ngọt, đồ uống có gas, vì sẽ làm tăng nguy cơ béo phì – một trong những yếu tố gia tăng tình trạng bệnh Gout. Việc duy trì cân nặng phù hợp sẽ giúp giảm lượng acid uric trong máu, tăng sức chịu đựng của các khớp. Các loại nước giàu vitamin C cũng không nên bổ sung nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận. Người bệnh chỉ nên sử dụng nước lọc và các loại nước khoáng.

Với bệnh Gout, người bệnh không được phép tự ý mua thuốc về uống mà cần tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc tùy tiện có thể gây ra tác dụng phụ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/canh-bao-nguy-co-benh-gout-tro-nang-trong-mua-he-204348.html