Cảnh báo ngộ độc thực phẩm từ bột màu không rõ nguồn gốc

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 44 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng thiếu máu nặng do ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm do bột màu

Ngoài nữ bệnh nhân 44 tuổi nêu trên thì người con thứ 2 của bệnh nhân (nam 12 tuổi) cũng trong tình trạng tương tự được đưa vào điều trị trại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Mẫu phẩm màu khiến hai bệnh nhân bị ngộ độc.

Mẫu phẩm màu khiến hai bệnh nhân bị ngộ độc.

Qua khai thác bệnh sử sử của bệnh nhân được biết, ngày 17/04/2023, bệnh nhân này mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ.

Bệnh nhân trộn hơn 50g bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng 2 con ăn nem vào các bữa trưa ngày 17/4, 18/4 và 19/4/2023.

Sau ăn bữa cuối 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nữ 44 tuổi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, hemoglobin lúc thấp nhất là 51 g/L (bình thường 120-170 g/L), các xét nghiệm khác cho thấy có tình trạng tan máu cấp tính rõ.

Mẫu bột mầu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có a xít orange 7 (4-[(2-Hydroxy-1-naphthyl) diazenyl] benzenesulfonic acid). Hóa chất a xít Orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm.

Với liều cao trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin. Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người.

Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng a xít orange 7 tối đa cho phép là 300mg/kg (0,03%).

Vào năm 2021, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội, đã bị tan máu cấp, methemoglobin sau khi ăn thịt bò sốt vang tự nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ.

Mẫu bột phẩm màu bệnh nhân đã dùng qua xét nghiệm thấy hóa chất a xít orange 7 với hàm lượng 20%. Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Cục An toàn thực phẩm về vấn đề này.

Cũng về ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk vừa xác nhận trên địa bàn có hàng chục người phải nhập viện sau khi dự tiệc cưới tổ chức tại xã Ea Wer vào tối 4/5.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn thông tin đến thời điểm này, có 20 người nhập viện điều trị. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân khiến hàng chục người này phải nhập viện điều trị.

Trước đó, vụ việc nghiêm trọng khi hơn 70 trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Giang, Hà Nội cũng khiến dư luận lo lắng. Và trong bối cảnh thời tiết nắng nóng mùa hè hiện nay chuyên gia lo ngại các vụ ngộ độc thực phẩm sẽ gia tăng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại.

Theo chuyên gia, trong môi trường nắng nóng, vi khuẩn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Chẳng hạn, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả…

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả.

Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần có ô-xy), tồn tại ở thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng tiêu chuẩn.

Clostridium botulinum có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong.

Ngoài ra, khi hè tới, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt…

Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rất rẻ, nhưng quy trình chế biến của chúng có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người ít quan tâm.

Kiểm soát chặt nguồn gốc

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các hóa chất phụ gia thực phẩm phải kiểm soát chặt chẽ mới có thể sử dụng an toàn.

Theo đó, hiện chỉ các công ty sản xuất thực phẩm mới có thể đảm bảo từ việc kiểm soát nguồn hóa chất phụ gia được phép sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn tinh khiết và tính toán hàm lượng chính xác ở dưới ngưỡng an toàn quy định trước khi cho vào thực phẩm.

Với người dân không nên dùng các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ,...

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngoài nguyên nhân do phẩm màu qua vụ việc nêu trên, để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi.

Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum).

Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng...

Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh.

Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-ngo-doc-thuc-pham-tu-bot-mau-khong-ro-nguon-goc-d189058.html