Cảnh báo mưa lũ 'cực kỳ nguy hiểm' trong ba ngày tới

Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Trưởng BCĐ T.Ư Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại cuộc họp khẩn (chiều 25/7) của BCĐ T.Ư về phòng chống thiên tai ứng phó tình hình mưa lũ.

Một số khu vực ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước ngày 24/7 - Ảnh: Phạm Thắng

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT - Bộ NN&PTNT), trong gần 7 tháng qua đã xảy ra 14/21 loại hình thiên tai nguy hiểm, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão áp thấp nhiệt đới, dông, lốc sét, nắng nóng… Đáng lưu ý, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 13 - 22/7, đặc biệt có nơi tại Sơn La lượng mưa đo được lên tới mức kỷ lục gần 1.000mm. Lũ lớn báo động 3 ở các sông Thao, sông Hoàng Long; riêng sông Bứa tại Phú Thọ đã vượt mức lũ lịch sử năm 1975 hơn 1,2m. “Thiên tai liên tiếp dồn dập từ đầu năm tới nay đã khiến 110 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 3.600 tỷ đồng”, ông Hoài cho hay.

Cũng theo ông Hoài, mưa lũ nhiều đã khiến xảy ra 48 sự cố đê điều với gần 18km đê tại 9 tỉnh đang cần khắc phục gấp. Qua rà soát cho thấy, hiện có 244km đê thiếu cao trình; 713km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế; 318 vị trí với 79km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 477 cống cũ, hư hỏng và 220km kè bị hư hỏng, xung yếu cần tu bổ sửa chữa…

Liên quan tới an toàn hồ chứa thủy lợi, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cũng chỉ rõ cả nước đang có khoảng 700 hồ xung yếu cần được quan tâm trong mùa mưa lũ năm nay. “Căng nhất là các hồ chứa từ Thanh Hóa tới Nghệ An. Theo đó, hầu hết đều đã tích đầy nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cảnh báo.

Trong khi các vùng trũng khu vực đồng bằng từ Bắc miền Trung trở ra nước vẫn chưa kịp tiêu hết thì theo ông Hoàng Đức Cường Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, các khu vực này lại tiếp tục phải hứng chịu trận mưa lớn từ đêm 25/7 với tổng lượng mưa 100-200mm. “Từ ngày 27/7, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc bộ có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét tại Thanh Hóa” ông Cường dự báo.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng BCĐ T.Ư PCTT bày tỏ lo ngại: “Chưa đầy 2 tháng miền Bắc đối mặt 2 đợt mưa lũ bất thường dài ngày gây thiệt hại lớn về người và của. Đáng báo động sau các đợt mưa lũ vừa qua, các thiết chế hạ tầng ứng phó thiên tai đã bị tổn thương rất nặng. Gần 700 hồ xung yếu xuống cấp chưa được chỉnh sửa; chưa bao giờ hệ thống đê của phía Bắc kể cả đê cấp 4, cấp 5 lại bị tổn thương như thế, ẩn họa khôn lường”.

Cũng theo vị Trưởng BCĐ, 3 năm vừa qua chưa bao giờ khu vực phía Bắc miền Trung trở ra lại bị tổn thương lớp thượng bì nghiêm trọng như hiện nay. “Đất rừng toàn bộ Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc đã ngậm nước ở mức bão hòa, hệ lụy không chỉ gây sạt lở cục bộ mà kéo theo sạt trượt cả mảng rất lớn. “Nước từ hai đợt mưa lớn chưa tiêu hết thì giai đoạn tới diễn biến thời tiết vẫn rất khó lường. Ngay trong 3 ngày tới mưa lớn lại tái diễn, tình hình hết sức nguy hiểm. Nếu không có biện pháp quyết liệt ứng phó, rất có thể có chỗ sẽ xảy ra thảm họa”, ông Cường nhấn mạnh.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/canh-bao-mua-lu-cuc-ky-nguy-hiem-trong-ba-ngay-toi-d265819.html