Cảnh báo lốc, sét, mưa đá ở vùng núi và trung du Bắc Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén dịch chuyển xuống phía nam, nên khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến ở mức từ 30 - 60 mm/12 giờ, có nơi hơn 70 mm/12 giờ).

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén dịch chuyển xuống phía nam, nên khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến ở mức từ 30 - 60 mm/12 giờ, có nơi hơn 70 mm/12 giờ).

Từ tối và đêm nay (9-7), ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng), ngập lụt vùng trũng ở khu vực nêu trên.

Nguy cơ cháy rừng tại Bình Định, Phú Yên

* Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 8-7, rừng ở tỉnh Hà Tĩnh lại xảy ra cháy. Điểm cháy lần này khởi phát tại Núi Nầm thuộc huyện Hương Sơn và nhanh chóng lan rộng. Khu rừng bị cháy là rừng trồng thông và keo tràm giao khoán cho người dân. Nhận được tin báo, UBND huyện Hương Sơn đã huy động hơn 500 người gồm kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ cùng người dân hai xã Sơn Châu và Sơn Thủy mang theo cưa xăng, máy thổi gió tham gia dập lửa. Nhiều xe chữa cháy cũng được huy động tới chữa cháy. Tuy nhiên, do đám cháy xảy ra vào thời điểm trưa nắng và gió Lào thổi mạnh cùng với thảm thực bì dày nên lửa bùng phát dữ dội. Hơn nữa, khu vực xảy ra cháy gần đường dây điện 35 kV nên ngành điện lực đã phải tạm thời cắt điện để bảo đảm an toàn, một số hộ dân có nhà sát bìa rừng cũng được yêu cầu di dời tài sản ra ngoài. Đến chiều cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được khống chế.

* Ngày 8-7, Cục Kiểm lâm cảnh báo các khu vực đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm gồm: khu vực An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Tuy Phước, Vân Canh, TP Quy Nhơn (Bình Định); thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Các địa phương nêu trên cần thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Tại tỉnh Kiên Giang, Vườn quốc gia Phú Quốc đang ở thời gian cao điểm nhất của mùa khô. Tất cả các suối, hồ, giếng trữ nước phòng, chống cháy hiện nay đã cạn kiệt hơn 50%, các lớp thực bì trên mặt đất dày khô, có thể bén lửa bất cứ lúc nào, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng dễ dàng gây cháy, nguy cơ cháy rừng rất cao.

* Ngày 8-7, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Trường, kiểm dịch viên, để làm rõ sai phạm liên quan việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi đưa đi tiêu thụ. Trước đó, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện xe tải chở 14 con lợn, có nguồn gốc từ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, nơi đang có dịch về cơ sở giết mổ tại tỉnh Vĩnh Long; lô lợn trên có niêm phong và giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh do ông Ninh Văn Trường ký ngày 3-7.

* Ngày 8-7, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đến nay đã phát hiện 21 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 21 xã, thị trấn của bảy huyện. Tổng đàn lợn bệnh và bị tiêu hủy là gần 600 con, tổng trọng lượng hơn 32.300 kg, và đã hỗ trợ lợn bị tiêu hủy hơn 971 triệu đồng. Từ ngày 5-7, tỉnh Cà Mau thực hiện phương án giảm tổng đàn và bảo vệ đàn lợn giống, theo đó sẽ hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi xuất bán lợn thịt 100.000 đồng/con (từ 75 kg/con trở lên); hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống lợn nái 500.000 đồng/con; hỗ trợ tinh lợn phối giống 4 liều/nái/năm.

* Theo Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Đồng Tháp, đến nay tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, với gần 29.600 con lợn mắc bệnh, chiếm 11% tổng đàn, tổng khối lượng lợn tiêu hủy hơn 2.164 tấn, ước hỗ trợ tiêu hủy hơn 82 tỷ đồng.

* Đến ngày 8-7, tại tỉnh Gia Lai, sâu keo mùa thu đã phá hoại hơn 5.500 ha ngô của 11 huyện, trong đó, bị nặng nhất là các huyện: Kông Chro, Chư Prông và Chư Pưh.

* Trong hơn một tuần qua, cá nuôi lồng bè khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chết hàng loạt. Theo phản ánh của người nuôi cá lồng bè trên khu vực sông Chà Và, cá có hiện tượng bỏ ăn cách đây từ nhiều ngày, biểu hiện nổi đầu, dạt lưới lồng, tuột nhớt, tróc da. Cá chết chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm, trọng lượng khoảng 0,6 kg đến 5 kg/con, có loại sắp đến kỳ thu hoạch. Có những hộ chết gần như 100% số cá trong lồng. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do những ngày qua thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nên lượng nước từ nhiều nơi đổ về, các yếu tố về môi trường có sự biến động như lượng ô-xy hòa tan, độ mặn, thủy triều kém không thể vào ra được, ứ đọng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Hai người dân ngăn chặn vụ cháy rừng

Khoảng 18 giờ 35 phút ngày 8-7, hai cha con ông Trần Văn Thể, trú tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên đường đi làm về thì phát hiện trong đồi thông 30 tuổi, rộng khoảng 3 ha của Lâm trường Tiền Phong, đối diện khu vực lăng Khải Định có lửa cháy. Nhìn quanh không có ai để tri hô, gọi chữa cháy, hai cha con ông Thể chặt cành cây để dập lửa. Khoảng 20 phút sau, các lực lượng chữa cháy của lâm trường, Công an tỉnh cũng có mặt tham gia chữa cháy. Đến khoảng 19 giờ, đám cháy đã được khống chế. Sau khi dập tắt lửa, ông Thể cho biết: “Đây không phải rừng của tôi. Nhưng những đám cháy lớn thường bắt đầu từ đốm lửa nhỏ, nếu ngăn kịp thời thì hạn chế được thiệt hại lớn”.

Trước đó, trong hai ngày 28 và 29-6, trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã xảy ra cháy rừng, làm gián đoạn đường dây 500 kV bắc nam, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và điện lực.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40808002-canh-bao-loc-set-mua-da-o-vung-nui-va-trung-du-bac-bo.html