Cảnh báo lạm phát cuối năm tăng cao do giá thịt lợn

'Vì nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam thường tăng về cuối năm, nhất là những ngày giáp Tết, và có thể ảnh hưởng tới lạm phát trong đó có giá thịt lợn', Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay.

Ngày 9/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 7. Tại hội nghị báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tỷ trọng của thịt lợn trong hàng hóa tính CPI là rất lớn nên biến động về giá thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Hiện nay giá thịt lợn dù đã được áp dụng biện pháp nhập khẩu từ Úc, Mỹ, châu Âu, Thái Lan nhưng không ăn thua, giá vẫn rất cao.

Ít nước tăng trưởng dương như Việt Nam

Ông Phương cho rằng: Tính bình quân, tăng trưởng 6 tháng đầu năm cả 2 quý chúng ta đạt 1,81%. So với giai đoạn hơn 30 năm trước đây, thì 6 tháng đầu năm nay đạt mức thấp nhất từ năm 1986 trở lại đây. Tuy nhiên theo ông Phương, nhìn sang bên ngoài, con số 1,81% là con số tích cực, và không có nhiều quốc gia trên thế giới có được tăng trưởng dương, chỉ chúng ta là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương gần 2%. Đó là tín hiệu cho thấy sự tích cực.

Ông Phương cũng nhìn nhận, cái được lớn nhất chúng ta có hiện nay là kiểm soát thành công dịch Covid-19 ở trong nước. Tất cả các hoạt động mọi mặt trong nền kinh tế ở mức “bình thường mới”. Nghĩa là thường xuyên cảnh giác kiểm soát phòng chống dịch, nhưng tập trung phát triển kinh tế, thị trường trong nước, còn xuất khẩu cố gắng tối đa. Hiện nay các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hàng hóa bán lẻ đều tập trung vào thị trường trong nước vì nếu tập trung vào xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường.

Liên quan đến vấn đề nông nghiệp, theo ông Phương: Trong thời dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi bị tác động nặng. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận, một số nơi bị hạn hán, xâm nhập mặn nên tăng trưởng quý 1 của nông nghiệp thấp, còn sang quý 2 đã phục hồi. Thị trường các sản phẩm nông sản được duy trì, tốc độ khá. Tháng 2 và 3 có những đoàn xe contenner xếp hàng dài ở biên giới nhưng sau khi đàm phán, thỏa thuận với Trung Quốc đã thông quan trở lại. “Tuy nhiên đến nay lượng hàng hóa xuất qua Trung Quốc vẫn chưa đạt 100% như trước đây. Hiện nay phía Trung Quốc cũng yêu cầu rất cao phả truy xuất nguồn gốc hàng hóa, và hàng hóa phải chế biến đóng gói đúng theo quy chuẩn. Do đó hiện lượng xuất sang Trung Quốc không cao bằng trước dịch Covid-19”-ông Phương thông tin.

Nhập thịt lợn về nhưng không ăn thua, giá vẫn cao

Ông Phương cũng cho rằng: Trước đây chúng ta hay bàn đến khai thác dầu khi kinh tế bị ảnh hưởng. Khi tốc độ tăng trưởng có nguy cơ giảm thì hay nghĩ đến khai thác dầu vì than giá trị không lớn. Dầu được coi là “át chủ bài” nhưng bây giờ đóng góp từ dầu cho tăng trưởng là ít.

“Khi dịch xảy ra lại diễn ra một nghịch lý với thị trường dầu lửa thế giới, đó là giá bán âm, có trường hợp bán dầu phải đưa thêm tiền cho người mua”-ông Phương nói và cho rằng “với giá như vậy thì khai thác dầu sẽ không hiệu quả. Nếu đẩy mạnh khai thác dù chỉ đóng góp thêm vài điểm % cho GDP, và đến nay giá dầu cơ bản phục hồi khoảng 40USD/thùng nhưng so với giá dự toán kế hoạch thì còn thấp xa”.

Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI, ông Phương cho rằng: Mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%, từ đầu năm đến nay hiện có xu hướng giảm dần. Đầu năm là 6,2% nhưng nay chỉ 4,19%. Lý do là chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng có chiều hướng đi xuống, cho nên dần dần từ mức 6,28% xuống còn 4,19%. Đó là tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy tăng trưởng bị ảnh hưởng nhiều, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định. Đó là điều hết sức quan trọng. Vì nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì rất khó thúc đẩy tăng trưởng sau này.

Tuy nhiên ông Phương cũng cảnh báo cần hết sức lưu ý chỉ số giá CPI sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm. Vì nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam thường tăng về cuối năm, nhất là những ngày giáp Tết, và có thể ảnh hưởng tới lạm phát trong đó có giá thịt lợn. “Tỷ trọng của thịt lợn trong hàng hóa tính CPI là rất lớn. Do đó biến động về giá thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Hiện nay giá thịt lợn dù đã được áp dụng biện pháp nhập khẩu từ Úc, Mỹ, châu Âu, Thái Lan nhưng không ăn thua, giá vẫn rất cao. Đặc biệt là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Đây là câu chuyện cần kết hợp hòa hòa biện pháp hành chính lẫn biện pháp về kinh tế, thị trường, trong đó biện pháp lớn nhất cần tập trung là tái đàn”-ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, khi tái đàn phải mất 4-6 tháng để lợn lớn mới thịt được. Trong các số liệu báo cáo, tỷ lệ tái đàn cơ bản là tăng, nhưng lợn còn nhỏ chưa thể nói phục vụ cho thị trường ngay được. “Chúng tôi rất hy vọng cuối năm nay đàn lợn có thể phục vụ cho thị trường vào dịp cuối năm. Đây là hy vọng nhưng phụ thuộc nhiều vào thực tế do hiện nay vẫn đang cảnh giác với dịch tả lợn châu Phi có thể quay lại bất cứ lúc nào. Cho nên cần hết sức lưu tâm”-ông Phương nói.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-lam-phat-cuoi-nam-tang-cao-do-gia-thit-lon-490569.html