Cảnh báo lạm dụng kháng sinh với trẻ nhỏ

'Lúc đầu trẻ thường hay chảy mũi nhiều, sau đó thành dịch vàng và xanh thì có nghĩa là lúc đó trẻ đã sắp khỏi bệnh. Lúc này trẻ có thể ho mạnh khiến nhiều cha mẹ lầm tưởng là bệnh nặng lên nhưng kỳ thực là bệnh sắp khỏi. Cho nên, nếu trẻ chỉ bị mũi thông thường thì chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, hút rửa là trẻ tự khỏi, không nhất thiết phải dùng kháng sinh…'.

Ảnh minh họa

Đó là kinh nghiệm mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ tại hội thảo về sử dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ mới được tổ chức ở Hà Nội. Theo BS Dũng, trên thực tế có nhiều cha mẹ cứ thấy con chảy mũi nhiều, càng dịch xanh dịch vàng càng cuống cuồng mua kháng sinh cho trẻ uống. Nhiều trẻ chỉ viêm đường hô hấp nhưng đã phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới với liều cao hoặc kết hợp kháng sinh để điều trị.

Cũng theo PGS Dũng, nếu cứ thấy trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi mà cha mẹ đã nhanh chóng cho trẻ dùng kháng sinh thì chắc chắn sẽ gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con trẻ. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp viêm đường hô hấp hoàn toàn không phải do vi khuẩn gây ra, dùng kháng sinh vừa không hiệu quả, vừa tốn kém và gây ảnh hưởng bất lợi tới trẻ.

Không chỉ có sổ mũi, hắt hơi, nhiều trẻ bị chẩn đoán viêm tai cũng bị cha mẹ cho sử dụng kháng sinh liều cao. Theo nhiều chuyên gia, trước đây đa số trẻ bị viêm tai đều được chỉ định dùng kháng sinh, nhưng trong xu hướng hiện nay, các bác sĩ đã cố gắng hạn chế kháng sinh với khuyến cáo: nếu trẻ viêm tai mà không chảy nước tai (viêm tai ở các triệu chứng nội soi) thì phụ huynh nên theo dõi tiếp trong 2 ngày sau đó, không nên vội vàng sử dụng kháng sinh.

“Thông thường có đến 50-80% đứa trẻ sẽ tự khỏi trong 2 ngày sau đó mà không cần dùng thuốc gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi sát sao, trường hợp 2 ngày sau đó nếu thấy triệu chứng nặng lên thì cần cho con đến khám tại bác sĩ chuyên khoa, lúc đó bác sĩ kê thuốc vẫn chưa muộn, không gây ảnh hưởng gì đến trẻ, không gây biến chứng gì. Việc lạm dụng kháng sinh như nhiều cha mẹ đang làm dễ khiến làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc trong trẻ em”- PGS Nguyễn Tiến Dũng nói.

BS đưa lời khuyên, phụ huynh cần điều trị cho con trẻ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Đồng thời, cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho con bằng biện pháp tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch… để hạn chế ở mức thấp nhất lượng kháng sinh đi vào người trẻ nhỏ.

Tổng hợp

PV

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/canh-bao-lam-dung-khang-sinh-voi-tre-nho-63626.html