Cảnh báo khoảng 15 triệu dân mắc trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần khác

Tại Việt Nam, khoảng 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần, trong đó cao nhất là trầm cảm, lo âu.

Rối loạn tâm thần tăng theo đại dịch Covid-19

Tại lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10", với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu” chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần

Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch Covid-19 với ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.

Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.

Gần 15 triệu người mắc rối loạn tâm thần

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên).

Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời", ông Thuấn nhấn mạnh.

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.

Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/canh-bao-khoang-15-trieu-dan-mac-tram-cam-lo-au-va-roi-loan-tam-than-khac-d568912.html