Cảnh báo IUU

Ngày 13.12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC), chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Theo đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ven biển cần trình hoặc sửa ngay các quy định liên quan đến chống, đánh bắt bất hợp pháp trong thời gian Luật Thủy sản (2017) có hiệu lực thi hành để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của EC về khai thác IUU... Ngoài ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan nói trên sớm trình, phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU; ban hành quy định về tạm ngừng việc đóng mới, nâng cấp tàu cá làm nghề lưới kéo; cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bấp hợp pháp tại vùng biển các nước… Và trước ngày 15.1.2018, các địa phương ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể về khai thác thủy sản trên biển và tại cảng của tỉnh năm 2018 theo quy định của EC và hướng dẫn của Bộ NNPTNT.

Mới đây, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục IUU. Bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra - Tổng cục Thủy sản - cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của EC, phải xử lý nghiêm hành vi đánh bắt trái phép. Cơ quan công an cần vào cuộc để điều tra người chủ thực hiện việc đưa tàu thuyền ra nước ngoài đánh bắt… Các tàu vi phạm cũng cần phải cấm khai thác. Hơn nữa các doanh nghiệp phải cam kết không mua bán, tiêu thụ, chế biển hải sản đánh bắt trái phép, bất hợp pháp…

Thẻ vàng EU và các động thái của Nhà nước cho thấy, IUU đã gấp lắm rồi. Tuy vậy, đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh là ngư dân thì hiện nay tỏ ra khá mơ hồ. Theo Bộ NNPTNT trong những năm qua phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân vi phạm và bị bắt giữ ở nước đã lên con số ngàn. Nhiều địa phương cho rằng, việc tổ chức tuyên truyền hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Các chuyên gia lo ngại, cảnh báo của EC đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng nên cần phải nhanh chóng xử lý dứt điểm. Việc đánh bắt trái phép nếu tiếp tục kéo dài sẽ bị nâng lên thẻ đỏ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành xuất khẩu thủy hải sản.

NGUYỄN TRUNG HIẾU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/canh-bao-iuu-582017.ldo