Cảnh báo hội chứng 'cơn bão cytokine' nguy hiểm ở bệnh nhân COVID-19

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện chưa ghi nhận một cách rõ ràng số người bệnh gặp 'cơn bão cytokine' (Hệ thống không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng), tuy nhiên đã có một số bệnh nhân có những biểu hiện của hội chứng này...

Như VnMedia đã đưa tin, tính đến sáng 31/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, đã có những bệnh nhân sau diễn tiến nặng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao: BN 416, BN 418, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438… Ngoài ra, một số bệnh nhân có tiến triển nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Phần lớn bệnh nhân nặng trong số này đề là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.

Thông tin tới báo chí cuối giờ sáng 31/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

“Tôi lưu ý về nguy cơ cơn bão cytokine. Một số người khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan và làm giảm các chức năng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, đơn cử như bệnh nhân 91 ở TP.HCM giai đoạn trước” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Trong giai đoạn này, Tiểu ban Điều trị chưa ghi nhận một cách rõ ràng số người bệnh gặp “cơn bão cytokine”, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có một số bệnh nhân có những biểu hiện, dù chưa có sự thay đổi về dấu hiệu suy cơ quan cũng như đe dọa tính mạng.

Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…

“Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hội chứng cơn bão cytokine hay còn gọi là hội chứng giải phóng cytokine, (tên tiếng Anh là Cytokine Release Syndrome, viết tắt là CRS). Thực chất, đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống.

Hội chứng cơn bão cytokine xảy ra khi một tác nhân xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch được kích hoạt để giúp chống lại tác nhân, mầm bệnh đó bằng cách sử dụng nhiều loại tế bào khác nhau với một số lượng lớn (phản ứng quá mức) bao gồm tế bào bạch cầu, tế bào lympho T và B, đại thực bào, tế bào sát thủ tự nhiên, bạch cầu đơn nhân, tế bào tua, làm giải phóng các cytokine gây viêm. Các cytokine sẽ gửi tín hiệu đến các tế bào miễn dịch và từ đó sẽ kích hoạt sản xuất thêm nhiều tế bào bạch cầu khác cũng như kích hoạt các tế bào tiếp tục tạo ra nhiều cytokine hơn.

Hội chứng cơn bão cytokine có thể xảy ra trong những trường hợp sau: Biến chứng của một số bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, thủy đậu, Ebola; Hội chứng suy hô hấp cấp tính; Biến chứng nhiễm trùng huyết; Tác dụng phụ của một số thuốc kháng thể đơn dòng dùng trong điều trị ung thư (liệu pháp điều trị miễn dịch); Bệnh tự miễn như viêm khớp ở người trẻ tuổi.

Hội chứng cơn bão cytokine có thể dẫn đến tử vong khi các cytokine tấn công nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như phổi, gan.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202007/canh-bao-hoi-chung-con-bao-cytokine-nguy-hiem-o-benh-nhan-covid-19-4a91a85/