Cảnh báo gia tăng sốt xuất huyết trên toàn cầu

Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh do virus truyền qua muỗi đã lây lan nhanh chóng ở tất cả các khu vực trong những năm gần đây...

Gia tăng bùng phát SXH

Tỷ lệ mắc SXH đã gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những thập kỷ gần đây. Số ca mắc SXH được báo cáo cho WHO đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ 505.430 trường hợp vào năm 2000, lên hơn 2,4 triệu vào năm 2010 và 4,2 triệu vào năm 2019. Phần lớn các trường hợp là không có triệu chứng hoặc nhẹ và tự quản lý, và do đó số lượng thực tế của các ca SXH được báo cáo dưới mức thực tế. Nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm là các bệnh sốt cao khác.

Trước năm 1970, chỉ có 9 quốc gia đã trải qua dịch bệnh SXH nghiêm trọng. Hiện nay, bệnh đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia thuộc khu vực WHO ở Châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các khu vực Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Số ca mắc SXH lớn nhất từng được báo cáo trên toàn cầu là vào năm 2019. Tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng và lần đầu tiên truyền bệnh SXH được ghi nhận ở Afghanistan.

Sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong

Virus SXH được truyền qua muỗi cái chủ yếu thuộc loài Aedes aegypti. Những con muỗi này cũng là vectơ của chikungunya, sốt vàng và virus Zika.

SXH lan rộng khắp vùng nhiệt đới, với sự thay đổi cục bộ về rủi ro bị ảnh hưởng bởi lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm tương đối và quá trình đô thị hóa nhanh chóng ngoài dự kiến.

Tình trạng của SXH có thể từ nhẹ (một số người không biết thậm chí mình bị nhiễm bệnh) đến xuất hiện các triệu chứng giống như cúm nặng. Mặc dù ít phổ biến hơn, một số người bị SXH nặng như chảy máu nghiêm trọng, suy nội tạng và / hoặc rò rỉ huyết tương. SXH nặng có nguy cơ tử vong cao hơn khi không được xử trí thích hợp.

Một số cách phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả.

Một số cách phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả.

SXH nặng được công nhận lần đầu tiên vào những năm 1950 trong dịch SXH ở Philippines và Thái Lan. Ngày nay, SXH nghiêm trọng ảnh hưởng đến hầu hết các nước châu Á và châu Mỹ Latinh và đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra nhập viện và tử vong ở trẻ em và người lớn ở các khu vực này.

Phòng ngừa thế nào?

Nếu bạn biết mình bị SXH, hãy tránh bị muỗi đốt thêm trong tuần đầu tiên bị bệnh. Virus có thể lưu hành trong máu trong thời gian này, và do đó bạn có thể truyền virus sang những con muỗi mới chưa bị nhiễm bệnh, những con muỗi này có thể lần lượt tiếp tục lây nhiễm sang người khác. Hiện nay, phương pháp chính để kiểm soát hoặc ngăn chặn sự lây truyền của virus SXH là chống lại các vectơ muỗi bằng cách:

Phòng chống muỗi sinh sản: Ngăn chặn muỗi tiếp cận môi trường sống đẻ trứng bằng cách quản lý và sửa đổi môi trường; xử lý chất thải rắn đúng cách và loại bỏ môi trường sống nhân tạo có thể giữ nước; bao phủ, đổ và làm sạch các thùng chứa nước sinh hoạt hàng tuần; áp dụng thuốc phun diệt muỗi thích hợp cho các thùng chứa nước ngoài trời...

Bảo vệ cá nhân tránh muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; mùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Kết nối cộng đồng: Giáo dục cộng đồng về những rủi ro của bệnh do muỗi truyền; tham gia với cộng đồng để kiểm soát véc tơ bền vững; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...

Và phản ứng của WHO

WHO ứng phó với SXH theo những cách sau: Hỗ trợ các quốc gia trong việc xác nhận dịch bệnh thông qua mạng lưới các phòng thí nghiệm hợp tác; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cho các quốc gia để quản lý hiệu quả dịch sốt xuất huyết; hỗ trợ các quốc gia cải thiện hệ thống báo cáo và nắm bắt gánh nặng thực sự của căn bệnh này; cung cấp đào tạo về quản lý lâm sàng, chẩn đoán và kiểm soát véc tơ ở cấp quốc gia và khu vực với một số trung tâm hợp tác; xây dựng chiến lược và chính sách dựa trên bằng chứng; hỗ trợ các quốc gia trong việc phát triển các chiến lược phòng chống và kiểm soát SXH và áp dụng Phản ứng kiểm soát véc-tơ toàn cầu (2017-2030); xem xét sự phát triển của các công cụ mới, bao gồm các sản phẩm diệt côn trùng và công nghệ ứng dụng; tập hợp các hồ sơ chính thức về sốt xuất huyết và SXH nghiêm trọng từ hơn 100 quốc gia thành viên; và xuất bản các hướng dẫn, sổ tay giám sát, quản lý trường hợp, chẩn đoán, phòng chống SXH cho các quốc gia thành viên.

Dương Sơn

((Theo WHO))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-gia-tang-sot-xuat-huyet-tren-toan-cau-n181492.html