Cảnh báo dùng son môi trôi nổi bán trên mạng xã hội: Tiền mất, mặt biến dạng

Môi bé gái 15 tuổi bị sưng, đóng mày, rỉ máu sau khi sử dụng son dưỡng và son kem lỳ được mua trên mạng xã hội với giá 23.000 đồng. Các chuyên gia cảnh báo, chị em làm đẹp cần tỉnh táo, không mua hàng trôi nổi trên mạng.

Rước họa vì mua son 23.000đ trên mạng

Bệnh viện Da Liễu TP.HCM vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp dị ứng do sử dụng son môi rẻ tiền mua trên mạng xã hội. Bệnh nhân N.T.B.N., 15 tuổi, ngụ tại Đồng Nai được mẹ đưa đến bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám trong tình trạng môi khô, sưng, ngứa, mưng mủ, đóng mày, rỉ máu.

N. cho biết, trước đó em có xem trên Facebook, thấy quảng cáo loại son dưỡng và son kem lì cam kết thành phần tự nhiên, không chì, không hóa chất, an toàn cho môi mà giá chỉ 5.000đ/1 hộp son dưỡng và 17.000đ/cây son kem lì. N. đặt mua 2 loại son trên. Sau khi sử dụng, em thấy môi bị khô, ngứa, sưng kèm nổi mụn mủ... ăn uống, giao tiếp rất khó khăn.

Môi bé gái 15 tuổi bị sưng, đóng mày, rỉ máu - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Môi bé gái 15 tuổi bị sưng, đóng mày, rỉ máu - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ths.BS Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da, bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, bệnh nhân N.T.B.N bị viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và thuốc bôi.

Theo BS Huy, dị ứng son môi là tình trạng xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần của son môi. Thông thường sau khi sử dụng son vài phút hoặc vài giờ vùng da có thoa son sẽ bị viêm đỏ, ngứa ngáy... Nếu tình trạng dị ứng nặng hơn sẽ nổi mụn nước, mưng mủ, đóng mày...

Vụ việc trên không phải là hi hữu. Thời gian qua, lực lượng chức năng như cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt đã xử phạt vi phạm hành chính cũng như đình chỉ lưu hành, thu hồi nhiều sản phẩm mỹ phẩm, song nhiều cơ sở kinh doanh vẫn coi thường pháp luật, tiếp tục buôn bán mỹ phẩm giả gây nhiễu loạn thị trường.

Dạo một vòng quanh chợ sinh viên, chợ nhà xanh ở một số thành phố lớn, không khó để bắt gặp những quầy hàng bày bán các loại mỹ phẩm với chủng loại đa dạng: Nước hoa, son môi, phấn má, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, kem trộn trắng da... gắn nhãn mác của các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng.

Đáng nói, những sản phẩm gắn mắc hàng hiệu này lại có giá rất “bình dân chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng một sản phẩm. Các sản phẩm này có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Độ tinh xảo của các sản phẩm nhái cũng đạt đến mức tinh xảo, những người am hiểu mới biết được đó là sản phẩm nhái, còn đa phần người tiêu dùng không rành rất dễ “sập bẫy”. Đáng lo ngại hơn đó là người tiêu dùng “tiền mất tật mang”, hậu quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thẩm mỹ.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, hiện mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường len lỏi xuất hiện tại các điểm mua bán tạp hóa, các khu vực trong chợ, các khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn.

Đáng nói, một số trường hợp mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm giả còn xuất hiện tại các khu vực hội chợ, lễ hội... Hình thức mua bán phổ biến và khó quản lý nhất hiện nay là tình trạng rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, có sự tham gia tiếp tay của nhiều người và rất dễ để thao tác thực hiện, từ đó vô tình tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, một kênh tiêu thụ hiệu quả cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Son handmade vẫn có khả năng chứa các chất hóa học

Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng son môi như: Dùng son kém chất lượng, son quá hạn sử dụng, cơ địa dị ứng... Việc sử dụng son môi kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng.

Các loại son này thường chứa hàm lượng chì, phẩm màu hóa học vượt mức cho phép nên khi sử dụng sẽ gây kích ứng. Ngoài ra, thành phần trong các sản phẩm này còn khiến da môi thâm sạm, nứt nẻ, khô ráp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, chúng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.

Các bác sĩ khuyến cáo, son môi là sản phẩm được tổng hợp từ nhiều thành phần khác nhau. Do đó, khi quá hạn sử dụng, những chất này có thể bị biến chất, từ đó dễ gây ra tình trạng bị dị ứng.

Đối với những trường hợp cơ địa nhạy cảm thì việc dùng son cần phải cẩn trọng. Trên cơ thể, môi cũng là một vị trí khá nhạy cảm do da ở vùng này khá mỏng. Các thành phần có thể gây dị ứng trong son môi cần lưu ý như là chất bảo quản (formaldehyde, quaternium, methylisoth- iazolione...), màu nhân tạo (màu đỏ eosin), chất làm bong tróc da (salicylic acid, phenol).

Ngoài ra, không hẳn các loại son handmade là an toàn tuyệt đối. Một số người có thể dị ứng với thành phần của son hay son được làm từ nguyên liệu kém chất lượng. Đặc biệt, do chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm định nên chúng ta không thể chắc chắn 100% chất lượng cũng như các thành phần trong son handmade. Do đó, son hand- made vẫn có khả năng chứa các chất hóa học. Nghiêm trọng hơn, việc pha chế và sử dụng chất hóa học để làm son nhưng không có kiến thức về liều lượng an toàn là rất nguy hiểm.

“Son là mỹ phẩm không thể thiếu đối với chị em phụ nữ, vì vậy trước khi mua, sử dụng sản phẩm chị em cần lưu ý: Trước khi mua son cần kiểm tra kỹ thành phần để xem bản thân có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của son không; Chọn son có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Trước khi muốn sử dụng loại son mới, bạn cần thử nghiệm bằng cách bôi son vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 giờ xem có hiện tượng dị ứng không và đặc biệt khi thấy có các dấu hiệu viêm đỏ, sưng, ngứa... sau khi sử dụng son cần ngưng ngay việc sử dụng son.

Tẩy trang môi nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc dầu dừa, dầu ô liu. Tuyệt đối không dùng sản phẩm tẩy trang chứa cách thành phần hóa học. Dùng khăn ướt đắp lên môi trong vòng 15-20 phút để giảm sưng, ngứa, viêm. Trong trường hợp dị ứng nặng, môi sưng, nổi mụn nước, đóng mày... cần đến ngay các cơ sở có chuyên khoa da liễu uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị”, Ths. BS Phan Ngọc Huy khuyến cáo.

M.H (T/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7(18)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/canh-bao-dung-son-moi-troi-noi-ban-tren-mang-xa-hoi-tien-mat-mat-bien-dang-a365011.html