Cảnh báo 'Death by China' thành hiện thực với Mỹ

Theo chuyên gia, Trung Quốc nắm giữ lợi thế về thị trường và mặc cả với thế giới nếu muốn bán được hàng.

Trong lần trả lời một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới hôm 22/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết kinh tế Mỹ gắn chặt với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ.

"Chúng ta phải nghĩ về việc này theo hướng là các thách thức với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đang gắn bó sâu sắc với kinh tế Trung Quốc", ông Pompeo nói.

Chia sẻ với sự thừa nhận cay đắng này của Ngoại trưởng Mỹ, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là một thực trạng rất phức tạp vì nó bị chi phối bởi các quy luật kinh tế, nhất là các lợi ích và chuyển biến về hệ tư tưởng trong đó. Hệ tư tưởng quan hệ đến chuyện chiếm lĩnh các đỉnh cao của sự chỉ huy, hay chiếm lĩnh các lợi thế về mặt chính trị để chi phối thế giới.

PGS.TS Lê Cao Đoàn nhắc lại cuốn sách "Death by China" (tạm dịch là: Chết dưới tay Trung Quốc) của GS kinh tế học Peter Navarro- nay là cố vấn kinh tế Nhà Trắng, trong đó ông Navarro cảnh báo rằng thế giới đã sang một trang mới, ở đó có những nhân vật kinh tế và xã hội mang tính chất khác trước rất nhiều, đem lại một trật tự mới.

Trước đây, Trung Quốc chỉ mạnh vì dân số đông và đã từng làm điên đảo thế giới vì dân số đó, họ cũng "chết" bởi sự đông dân đó. Thế nhưng, khi sự chuyển dịch kinh tế thay đổi thì dân số đông, từ chỗ là một vấn nạn của Trung Quốc, trở thành một lợi thế rất lớn. Dân số vừa là nguồn lực vừa là những miệng ăn, miệng ăn tạo ra cầu.

"Muốn phát triển kinh tế, không chỉ phải sản xuất được hàng mà quan trọng hơn phải bán được hàng. Thị trường Trung Quốc đem lại một sức tiêu dùng cực lớn và các nước công nghiệp khát khao thị trường đó, càng là nước phát triển thì càng cần thị trường.

Lúc này, Trung Quốc nắm giữ lợi thế đó, nắm được cái "thóp" của thế giới, họ mặc cả với thế giới và đưa ra luật lệ của riêng mình, buộc thế giới phải theo nếu muốn bán được hàng. Cho nên, Navarro cho rằng chết dưới tay Trung Quốc là vì thế", PGS.TS Lê Cao Đoàn giải thích.

Kinh tế Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc là sự thật cay đắng được Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thừa nhận

Kinh tế Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc là sự thật cay đắng được Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thừa nhận

Một điểm khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là Trung Quốc là nước lớn, đông dân, nếu chi thu nhập cho từng người thì rất nhỏ nhưng khi tập trung lại thì đó là nguồn thu nhập rất lớn. Nếu Mỹ là một nước dân chủ, trong nền cộng hòa của quốc gia này tổng thống có quyền hạn nào đó, đồng thời phải đương đầu với nhiều vấn đề thì Trung Quốc là nhà nước tập quyền, có thể ví như một con sói rất mạnh của thế giới vì có sức mạnh tập trung, điều đã được thể hiện ở Liên Xô thời kỳ phát triển.

"Trong khi châu Âu đối mặt với tình trạng Brexit và mô hình của châu Âu không còn là mô hình mơ ước nữa thì Trung Quốc với sự tập trung lớn, dự trữ ngoại hối khổng lồ có thể lũng đoạn cả thế giới. Chết dưới tay Trung Quốc chính là vì thế", ông Đoàn chỉ rõ.

Từ đây, vị chuyên gia nhắc lại chuyện nhiều quan điểm chê cười ông Donald Trump khi ông tuyên bố sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bởi họ tin rằng nước Mỹ đã vĩ đại sẵn rồi. Nhưng ông Trump là một nhà kinh doanh và thấy cái gì có lợi thì làm, điều ông thiếu là sự tinh quái, khôn khéo trong chính trị. Thực tế là nước Mỹ đã mất vị trí vĩ đại rồi và Trung Quốc góp tay phá vỡ sự vĩ đại ấy của nước Mỹ. Ông Trump nhận ra điều ấy và muốn làm cho nước Mỹ trở nên mạnh mẽ, sắp xếp lại thế giới theo trật tự mà ở đó sự phát triển có thể thực hiện được.

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, hiện nay thế giới không thể phát triển được vì không có một thể chế chung. Từ năm 1944, thế giới bắt đầu hình thành các định chế của toàn cầu, đó là Liên hợp quốc, là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).... Không ít quan điểm đánh giá rằng, có thời kỳ những định chế này vận hành khá tốt và có thể điều hành được thế giới, nhưng bây giờ chúng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Thể chế phải tiến bộ nhưng song hành với đó phải có chế tài đảm bảo các quốc gia thành viên phải tuân thủ, Trung Quốc chính là quốc gia không tuân thủ quy định khi hung hăng ở Biển Đông và nhiều nơi khác mà không chịu chế tài xử lý nào.

"Kinh tế có một nguyên tắc: càng mở rộng các hoạt động ra bao nhiêu thì càng có cơ hội cho sự phát triển. Thế nhưng, mạng dịch vụ toàn cầu hiện nay bị thao túng bởi Trung Quốc và nhiều ý kiến nhìn nhận sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)... là cái bẫy của Trung Quốc và nhiều nước đã bị sập bẫy.

Cho nên, vì sao ông Trump đòi rút Mỹ ra khỏi WTO? Có thể lý giải một phần nguyên nhân là do ông Trump cho rằng các định chế của thế giới đã bị Trung Quốc lũng đoạn, trục lợi và làm giàu cho chính họ.

Bài toán kinh tế-xã hội của thế giới hiện nay khó có thể giải được khi có "biến số" Trung Quốc ở trong đó. Trung Quốc có một thị trường và có một nguồn lực rất lớn, nhưng thị trường và nguồn lực ấy chính là một cái bẫy mà nó đang thao túng thế giới", vị chuyên gia nhận xét.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/canh-bao-death-by-china-thanh-hien-thuc-voi-my-3409444/