Cảnh báo đáng sợ của các nhà khoa học về Trái Đất

Các chuyên gia thiên văn học cho rằng, con người chỉ còn 3 năm nữa để hành động và cứu Trái Đất thoát khỏi thảm họa vì tình trạng biến đổi khí hậu.

Con người chỉ còn 3 năm nữa để cứu Trái Đất

Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia đưa ra con số cảnh báo là 3 năm. Trên thực tế, Trái Đất đã nóng lên thêm 1 độ C khiến cho mực nước biển dâng cao nhanh hơn, các rạn san hô có nguy cơ "sống mòn" vì nhiệt độ cao và những cơn bão thất thường đe dọa cuộc sống của những cư dân ven biển.

Mặc dù mới trải qua hơn nửa năm của 2017 nhưng nhân loại đã chứng kiến nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp, vượt xa những năm nóng nhất trong lịch sử như 2014, 2015 và 2016.

Trái đất đang đứng trước thảm họa do biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra, hàm lượng CO2 ở mức ổn định nhưng nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt 3 năm qua. Điều này cho thấy những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu như hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt, mực nước biển gia tăng là "kịch bản" khó có thể thay đổi trong tương lai.

Tuy nhiên, việc tránh khỏi những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu vẫn còn khả thi, nhưng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học và người dân ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới trong 3 năm tới. Đây cũng là cảnh báo của hai vị chuyên gia nổi tiếng về khoa học khí hậu.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng cao nhất thế giới của biến đổi khí hậu

Liên quan đến biến đổi khí hậu, theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển Thế giới (ADB), những thành tựu phát triển mà châu Á đạt được một cách khó khăn đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược bởi tác động của thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi việc đều xấu đi, khi các khoản đầu tư cho năng lượng mới đang giúp củng cố vị thế dẫn đầu của khu vực này trong "cuộc cách mạng công nghiệp sạch".

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ, nước phát thải lượng khí nhà kính lớn thứ hai trên thế giới, ra khỏi Hiệp định Paris, cho dù toàn bộ các nước còn lại trong nhóm các cường quốc phát triển G20, bao gồm cả nước thải lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc, cam kết cắt giảm lượng khí thải ra trên toàn thế giới.

Con người chỉ còn 3 năm nữa để cứu Trái Đất khỏi thảm họa. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, 13 trong số 20 thành phố có nguy cơ gánh chịu những tổn thất do lũ lụt gây ra lớn nhất thuộc các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thiên Kinh, Tân Cương và Hạ Môn của Trung quốc; Chennai-Madras, Kolkata, Mumbai, và Surat của Ấn Độ; Jakarta của Indonesia; Nagoya của Nhật Bản; Bangkok của Thái-lan và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Tuy nhiên, ADB cho biết trong khi lượng mưa dự báo sẽ tăng khoảng 50% ở hầu hết các khu vực đại lục châu Á, một số quốc gia như Afghanistan và Pakistan có thể phải chứng kiến lượng mưa giảm từ 20 đến 50%. Và kết quả là việc sản xuất lượng thực sẽ bị ảnh hưởng, với chi phí sản xuất cũng gia tăng. Tại một số quốc gia Đông Nam Á, sản lượng lúa gạo có thể giảm tới 50% vào năm 2100 "nếu không có những nỗ lực thích ứng nào được triển khai". Trong khi đó, hầu hết mùa màng ở Uzbekistan có thể giảm sản lượng từ 20 đến 50% ngay cả khi nhiệt độ trái đất chỉ giảm khoảng 2oC.

Sự thiếu hụt lương thực sẽ khiến số trẻ suy dinh dưỡng ở Nam Á tăng lên thêm 7 triệu em trong khi chi phí nhập khẩu lương thực tăng thêm tới 15 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 so với mức 2 tỷ USD hiện nay.

Những tác động xấu đối với cộng đồng người làm nông nghiệp hiện nay sẽ tạo ra một cuộc di cư ồ ạt tới các thành phố, khiến cho các thành phố trở nên đông đúc hơn và các dịch vụ xã hội sẵn có trở nên quá tải.

Bên cạnh đó, nhiệt độ toàn cầu gia tăng có thể đe dọa tới nguồn cung năng lượng. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng thông qua việc tiếp tục dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch không bền vững, giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện do khan hiếm nước làm mát, và hoạt động không liên tục của các nhà máy thủy điện do lưu lượng nước không ổn định, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Tình trạng mất an ninh năng lượng có thể dẫn tới xung đột khi các quốc gia cạnh tranh để giành lấy nguồn cung năng lượng có hạn.

Trong khi đó, hệ thống sinh thái biển như các rặng san hô sẽ gặp phải những đe dọa nghiêm trọng. Tại biển Tây Thái Bình Dương, toàn bộ các hệ thống rặng san hô gặp nguy cơ bị tẩy trắng hàng loạt nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4oC. Thậm chí, ngay cả khi nhiệt độ chỉ tăng 1,5oC, cũng có tới 89% rặng san hô có thể bị tẩy trắng, làm ảnh hưởng tới ngành đánh bắt cá và du lịch. Những thiệt hại này có thể lên tới hàng tỷ USD khi một ước tính gần đây cho thấy rặng san hô Great Barrier có trị giá về du lịch và các lợi ích kinh tế khác lên tới 56 tỷ đô la Australia (khoảng 44 tỷ USD), hoặc tương đương với 12 tòa Nhà hát Opera Sydney.

Thay đổi khí hậu còn tạo ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, với số ca tử vong liên quan tới các nguyên nhân do nhiệt độ có thể tăng thêm 52.000 ca vào năm 2050, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những ca tử vong liên quan tới các dịch bệnh như sốt rét hay sốt xuất huyết cũng sẽ gia tăng, cùng các ca tử vong do các nguyên nhân gây bệnh khác như ô nhiễm không khí, hiện đã đạt tới 3,3 triệu ca mỗi năm trên toàn cầu, với số lượng nhiều nhất là ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu của Liên hợp quốc, thực ra, châu Á hiện đã phải hứng chịu các ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, gánh chịu gần 30% tổng thiệt hại về kinh tế trên toàn cầu do tác động của các hoạt động thời tiết cực đoan từ năm 2000 đến 2008.

Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor cũng dự báo Campuchia, Việt Nam và Bangladesh là những quốc gia có nguy cơ gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu cao nhất thế giới, dựa trên những yếu tố như sản lượng nông nghiệp và khả năng thích ứng.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/canh-bao-dang-so-cua-cac-nha-khoa-hoc-ve-trai-dat-d125595.html