Cảnh báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vòng 3 ngày tới, nhiều tỉnh thành trong cả nước có mức chỉ số UV cao, nguy cơ gây hại rất lớn với cơ thể người.

Các thành phố Bắc Bộ đều có mức chỉ số UV cao 8-10 trong hôm nay và 3 ngày tiếp theo. Khu vực Trung Bộ chỉ số UV cực đại ngày liên tục duy trì ở mức 9-10 trong hôm nay và 3 ngày tới. Các thành phố Nam Bộ chỉ số UV hôm nay ở mức 9-10, riêng ngày mai 2/9 có xu hướng giảm xuống mức 7, sau đó tăng trở lại trong ngày 3 và 4/9. Đây đều là các ngưỡng chỉ số UV có nguy cơ gây hại rất cao với cơ thể người.

Về bản chất, bức xạ UV (hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại, tia UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Các ảnh hưởng của tia UV tới sức khỏe của con người

Do là vùng bức xạ có năng lượng cao nhất nên tia UVC có khả năng gây tổn hại nhất cho đôi mắt và làn da bạn. May mắn cho chúng ta là tầng ozone trong bầu khí quyển đã ngăn chặn gần như toàn bộ tia UVC này. Tuy nhiên hiện nay do nhiều tác động, tầng ozone bảo vệ trái đất của chúng ta đang ngày càng yếu (mỏng đi và có nhiều lỗ thủng) cũng có khả năng cho phép các bức xạ năng lượng cao UVC này lọt xuống bề mặt trái đất, rất dễ gây nên các vấn đề sức khỏe trầm trọng. Các bức xạ UVB thì có thể đi xuyên qua tầng ozone (mặc dù cũng đã được lọc một phần). Chúng chỉ chiếm khoảng 3% trong phổ tia UV do mặt trời chiếu và đi xuống tới trái đất.

Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa Melanin (một loại sắc tố da), nguyên nhân làm cho da trở nên tối đi, tạo ra sự rám nắng. Nếu với cường độ cao, tia UVB sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ bị ung thư da. Tia UVB cũng gây nên các hiện tượng bị bạc màu da, các nếp nhăn và các dấu hiệu khác sớm trước tuổi. Với đôi mắt, do giác mạc của chúng ta hấp thu hầu hết các bức xạ UVB này nên chúng không phải là nguyên nhân chính gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm mà chủ yếu gây nên các bệnh giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng. Còn tia UVA, đây là lượng bức xạ cực tím có nhiều nhất (chiếm tới 97%), do chúng dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ trái đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc, đi vào thủy tinh thể hay võng mạc ở bên trong mắt. Nếu phơi dưới bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng bị đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Dự báo tiềm năng nhiệt là khả năng xảy ra mức nhiệt độ nóng ở một khu vực nào đó. Theo thang đo, mức an toàn là dưới 27. Mức từ 27 - 32 là cẩn trọng có thể gây mệt mỏi nếu duy trì tiếp xúc và hoạt động thể chất kéo dài. Mức từ 32 - 41 cần đặc biệt cẩn trọng có thể bị say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Mức từ 41 - 54 là nguy hiểm, rất có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nắng nóng. Đây là mức nhiệt thường xuất hiện ở các đô thị lớn, đông dân cư, trong giai đoạn nắng nóng kéo dài. Ở mức này, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Mức trên 54 cực kỳ nguy hiểm, khả năng cao bị say nắng, sốc nhiệt.

BP

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/canh-bao-chi-so-cuc-dai-buc-xa-tia-cuc-tim-va-tiem-nang-nhiet-20200901085546162.htm