Cảnh báo cháy rừng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Cục Kiểm lâm cho biết: Hiện Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong chuỗi ngày không mưa, nắng mạnh kéo dài khiến nhiều cánh rừng ở mức cảnh báo cháy rất cao.

Hàng loạt rừng ở chín tỉnh, thành phố gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu đều nằm trong mức cảnh báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nhiều cánh rừng ở Bình Thuận, Đác Lắc, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang cũng cảnh báo cháy cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hôm nay (11-3), các tỉnh phía bắc thời tiết xu hướng tốt, mặc dù nền nhiệt không tăng nhiều nhưng phổ biến ít mưa, nắng đẹp cho nên cảm giác ấm áp. Nam Bộ có nắng nóng 36oC. Phía tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, trời rét. Phía đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi. Gió đông bắc cấp 3. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Một số thành phố biển miền trung như: Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng có mưa. Tây Nguyên mây thay đổi, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Nam Bộ mây thay đổi, có mưa vài nơi, ngày nắng.

* Tại hội nghị “Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, diện tích liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất lúa của vùng. Theo báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2), năm 2017, diện tích thực hiện liên kết của đơn vị đạt 28.585 ha, giảm hơn 10 nghìn héc-ta so với năm 2016; trong đó, sản lượng lúa mua theo hợp đồng chỉ đạt 30%. Nguyên nhân là do nhận thức về hợp đồng liên kết sản xuất ở một số nông dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế. Về phía các hợp tác xã thì một số liên kết với doanh nghiệp còn mang tính hình thức.

* Sáng 10-3, lễ thả tôm giống đầu tiên theo chương trình siêu thâm canh công nghệ cao được tổ chức tại tỉnh Bình Định. Chương trình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính với quy mô lớn đã được triển khai đến các tỉnh miền trung. Sự kiện thả lứa tôm giống đầu tiên đánh dấu bước tiến mới của ngành nuôi tôm tại đây.

* Tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản về điều kiện cơ sở, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; xác định vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè theo hướng thích ứng với thiên tai. Theo đó, tại vùng nước vịnh Cam Ranh (TP Cam Ranh), đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Tại vùng vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh) bố trí khoảng 550 ha mặt nước nuôi tôm hùm, các loại cá biển như: hồng, chẽm, mú, giò... Tại hai vùng nuôi khác là đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) và vịnh Nha Trang (TP Nha Trang) việc nuôi trồng thủy sản chỉ mang tính kết hợp.

* Tại Đác Lắc, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết cho nên năng suất tiêu giảm mạnh (giảm gần 1 đến 1,5 tấn/ha so với năm 2017), giá tiêu cũng giảm sâu, chỉ còn từ 59 nghìn đến 61 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch tăng cao, từ 180 nghìn đến 200 nghìn đồng/ngày/lao động. Để giảm bớt chi phí, phần lớn các nông hộ trồng tiêu huy động người thân, hoặc thực hiện vần công, đổi công để thu hoạch.

* Nông dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch hành thương phẩm chính vụ với năng suất trung bình 16,5 tấn/ha. Nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, giá hành tím được thương lái thu mua từ 16 nghìn đến 32 nghìn đồng/kg thì hiện chỉ còn từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg. Thêm vào đó, thời tiết bất lợi, thiếu nhân công, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người trồng hành.

Cứu nhiều ngư dân gặp nạn trên biển

Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 10-3, Tàu 363 của Hải quân Vùng 3 tại Đà Nẵng đã lai dắt tàu cá ĐNa 90305 TS cùng 11 ngư dân gặp nạn trên biển về cầu cảng Vùng 3 Hải quân (Đà Nẵng). Hiện 11 ngư dân đều ổn định sức khỏe và được bàn giao cho cơ quan chức năng địa phương.

Trước đó, vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 9-3, Sở Chỉ huy Hải quân Vùng 3 nhận được thông báo của Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân, tàu cá ĐNa 90305 TS bị hỏng máy, trôi dạt tại 16 độ 1 phút vĩ bắc - 109 độ 33 phút kinh đông, cách TP Đà Nẵng khoảng 73 hải lý yêu cầu cứu nạn. Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã lệnh cho Tàu 363 nhanh chóng đến khu vực tìm kiếm, cứu nạn. Đến 5 giờ ngày 10-3, Tàu 363 đã tiếp cận được tàu cá và kéo vào bờ.

* Sáng 10-3, tàu cá số hiệu BĐ 97203 TS do ông Nguyễn Hải Triều (52 tuổi, ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đã được tàu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định lai dắt vào bờ an toàn. Trước đó, từ ngày 9-3, tàu cá này gặp sự cố, không hoạt động được, bị thả trôi nhiều giờ trên biển. Trên tàu, ngoài thuyền trưởng còn có ba ngư dân là Lê Xuân Cường (45 tuổi), Trần Văn Hường (36 tuổi), Trần Xuân Chiến (39 tuổi).

PV, CTV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35759902-canh-bao-chay-rung-o-nam-trung-bo-tay-nguyen-va-nam-bo.html