Cảnh báo châu Á sập bẫy 'vay nợ khó trả' của Trung Quốc

Báo Guardian ngày 15.5 dẫn một báo cáo độc lập, cảnh báo việc các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương sập bẫy 'vay nợ khó trả' từ chính sách 'ngoại giao sổ nợ' của Trung Quốc.

Các nhà sư Sri Lanka tham quan sân bay Hambantota do Trung Quốc xây - Ảnh: EPA

Báo cáo do các sinh viên tốt nghiệp khoa phân tích chính sách của đại học Harvard Kennedy, nêu rõ chính sách “ngoại giao sổ nợ” của Bắc Kinh như thế này: Trung Quốc sử dụng các khoản nợ chiến lược để giành ưu thế chính trị, gieo tầm ảnh hưởng lên các nước suy kém kinh tế ở toàn vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo được chuẩn bị độc lập, chuẩn bị cho Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét-kết luận về tác động của chiến lược trên đối với tầm ảnh huởng của Mỹ ở khu vực này.

Nhận tiền vay tỉ đô-la là “dính bẫy nợ khó trả”

Tài liệu xác định 16 “mục tiêu”, chính là các nước không thể trả nợ đã sập phải chiến thuật Trung Quốc cho vay ồ ạt hàng trăm tỉ USD, từ đó, Bắc Kinh tranh thủ vị thế “chủ nợ” để ra các yêu sách buộc các “con nợ” phải nhượng bộ.

Báo cáo nêu hoạt động này trở thành một vấn nạn, khi Trung Quốc sử dụng vị thế “chủ nợ” để chống lại quyền lợi của Mỹ, hoặc nếu như Mỹ có các quyền lợi chiến lược ở một quốc gia đạt ổn định nhưng lại vướng cục nợ to với Trung Quốc.

Báo cáo viết: “Giai đoạn cuối là thu hồi nợ. Khi các nước tỏ ra không thể trả nợ vay, Trung Quốc lại sẵn sàng và có thể tiếp tục rao miễn giảm nợ, đổi lại là có tầm ảnh hưởng chính trị và các quyền lợi chiến lược”.

Một ví dụ điển hình được báo cáo dẫn những quan ngại về việc Sri Lanka cho Trung Quốc nắm 85% cổ phần, trong hợp đồng cho thuê một cảng lớn ở thành phố Hambantota suốt 99 năm.

Báo cáo viết thỏa thuận này “mờ ám và dễ gây tranh chấp”, ghi nhận đó là hậu quả 10 năm Sri Lanka mắc nợ Trung Quốc. Năm 2007, Bắc Kinh hứa tài trợ xây cảng này với giá 361 triệu USD, vào lúc các phía quan tâm đầu tư khác lo ngại vấn nạn nhân quyền ở Sri Lanka cũng như khả năng thuơng mại của cảng. Tiếp đó, Bắc Kinh cho Sri Lanka vay thêm 1,9 tỉ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây một sân bay.

Năm 2017, khi ký thỏa thuận xây cảng, Sri Lanka đã nợ các công ty do người Trung Quốc kiểm soát số tiền 8 tỉ USD. Trong khi đó, khu cảng chưa thu được lợi nhuận và trở thành một “bẫy nợ”.

Báo cáo viết: “Một khi Sri Lanka thực hiện thỏa thuận, việc tốn kém và cần tạo ra lợi nhuận để trả nợ vay ban đầu, họ đã phải vay thêm nợ, một chu kỳ lòng vòng tự tái lập và cuối cùng lâm vào thế phải từ bỏ cảng. Việc này gây ra nỗi lo sợ sẽ có ngày Hambantota trở thành một căn cứ hải quân của Trung Quốc, đồng thời phát đi một tín hiệu đáng lo cho các nước đang phát triển mắc nợ nặng khác”.

Bắc Kinh cho vay để có “quyền phủ quyết ủy nhiệm” ở ASEAN

Nhóm tác giả báo cáo xác định Pakistan và Sri Lanka là các nước đáng phải lo ngại nhất, vì hai nước này mắc nợ nặng, đến độ chính phủ đã phải nhượng cho Trung Quốc một cảng lớn hoặc một căn cứ quân sự.

Nhóm nước đáng phải lo ngại còn có Thái Lan, Papua New Guinea cũng là các “con nợ lớn” của Trung Quốc. Báo cáo nêu Papua New Guinea đã phải “gán nợ một địa điểm chiến lược” cùng nhiều nguồn tài nguyên lớn cho Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc chưa tận dụng ưu thế “chủ nợ” đối với Thái Lan. Nhóm tác giả báo cáo còn viết dù còn thiếu “tầm ảnh hưởng ngoại giao” với Campuchia, Lào và Philippines, việc họ là “con nợ” có thể giúp Trung Quốc có “quyền phủ quyết ủy nhiệm” ở Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Báo cáo viết “bài bản của Trung Quốc rất kiên trì”, bắt đầu bằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng-trong dự án Một vành đai Một con đường (BRI) trị giá 1 ngàn tỉ USD-và Bắc Kinh còn rao mời những khoản cho vay dài hạn kèm theo những giai đoạn gia hạn “kiểu ban ơn” để thu hút các nước yếu kém cả về năng lực lãnh đạo lẫn kinh tế.

Báo cáo nêu các dự án xây dựng đều mang tiếng chi vượt ngân sách, cản trở khả năng thu hồi vốn, khiến các nước vay nợ đều rất khó có khả năng trả nợ vay cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã đầu tư, hoặc tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm những dự án tầm cỡ lớn chiếm đáng kể GDP của quốc gia chịu làm con nợ của Trung Quốc.

Các khoản cho vay này thường đòi phải giao cho các công ty Trung Quốc xây các dự án, tiếp đó là dân địa phương phải phàn nàn tình trạng nhân công Trung Quốc “cướp việc làm” mà chính quyền địa phương đã hứa hẹn rất “hão”.

Trung Quốc cũng muốn mở rộng sự hiện diện quân sự xa khỏi bờ cõi nước mình, dẫn đến những cảnh báo từ Úc. Các đảng chính trị lớn ở Úc cũng bày tỏ sự lo ngại Úc bị co nhỏ tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.

Báo cáo đề nghị Mỹ xác định mục tiêu và củng cố các khoản đầu tư, củng cố quan hệ đồng minh và quản lý các khoản nợ, gồm kích cầu Ấn Độ trở nên một đầu lĩnh khu vực.

Năm ngoái, Ấn Độ đã cảnh báo cần đề phòng BRI của Trung Quốc, kêu gọi tinh thần trách nhiệm tài chính đối với các dự án “để không tạo ra gánh nợ không thể chịu nổi mãi cho các cộng đồng”.

Đáp lại, Bắc Kinh nói BRI “không và sẽ không bao giờ là chủ nghĩa thực dân mới núp bóng”.

Trung Quốc cũng nói “sẽ không bao giờ lợi dụng thành quả BRI để kéo giảm tầm ảnh hưởng của các nước khác, không phá hoại sự ổn định khu vực mà các nước đã xây dựng thành công đến bất ngờ”.

Trung Trực (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/canh-bao-chau-a-sap-bay-vay-no-kho-tra-cua-trung-quoc-88115.html