Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì dịch sốt xuất huyết (SXH) cũng vào giai đoạn cao điểm với số người mắc tăng mạnh tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh, nhiều người có những triệu chứng của bệnh SXH đã không dám tới bệnh viện để khám và điều trị mà tự ý áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà dẫn tới hậu quả rất đáng tiếc.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

TPHCM, Hà Nội đã có ca SXH tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TPHCM, trong 2 tháng gần đây, trung bình số ca mắc SXH trong tuần là 500 ca. Đặc biệt, trong tuần 35, tại 31 phường xã thuộc 13 quận huyện trên địa bàn TPHCM ghi nhận 40 ổ dịch SXH phát sinh. Tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do SXH. Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi nội trú và ngoại trú. Còn Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị nội trú cho 25 ca mắc SXH, trong đó có một số ca diễn tiến nặng. TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, trong thời gian qua có nhiều ca mắc SXH có biến chứng nặng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là người dân vì ngại đến bệnh viện trong thời gian dịch Covid-19 nên nhiều người tự mua thuốc về uống dẫn đến bệnh không những không giảm mà diễn tiến càng nặng hơn.

Mới đây nhất là trường hợp một nữ bệnh nhân (16 tuổi, ngụ quận 7) đã tử vong do mắc SXH. Trước đó, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Quận 4, sau đó tình trạng bệnh chuyển biến xấu nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị. Đây là trường hợp tử vong do SXH đầu tiên tại TPHCM trong năm nay.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đang điều trị cho khá nhiều bệnh nhân mắc SXH trong tình trạng nặng do nhập viện muộn và tự ý điều trị. Mới đây, một bệnh nhân (57 tuổi ở Hà Nội) đã tử vong sau hơn 1 tuần mắc SXH do tự mua thuốc Paracetamol về uống khi có những biểu hiện của bệnh SXH. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trước đó bệnh nhân này có triệu chứng sốt cao, đau mỏi người nên tự mua thuốc điều trị tại nhà, cho đến ngày thứ 5, bệnh nhân mới nhập viện thì phát hiện ra SXH và suy gan thận. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh quá nặng nên không qua khỏi. Đây là ca tử vong thứ 2 do SXH trong nửa tháng qua ở Hà Nội.

Không tự điều trị

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân SXH có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với người mắc virus SARS-CoV-2 nên cần khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh thật cẩn thận, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn. Đối với bệnh SXH có triệu chứng là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh, không tự truyền dịch tại nhà để phòng ngừa biến chứng dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý phòng tránh muỗi đốt bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Đặc biệt khi có triệu chứng của SXH như sốt cao, mệt mỏi, đau người, phát ban... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm. Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, nhưng đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và võng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi…; nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Để kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh SXH bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị y tế các địa phương tập trung giám sát chặt chẽ dịch SXH trên địa bàn tỉnh, huyện, xã để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các ổ dịch; điều tra ca bệnh mắc SXH tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý kịp thời. Tiếp tục phun hóa chất ở các ổ dịch nhằm khống chế dịch ngay từ đầu tại các vùng có nguy cơ cao. Có giải pháp phân loại, phân tuyến bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện; điều trị đúng phác đồ, giảm trường hợp tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 8-2020, cả nước ghi nhận trên 50.000 người mắc SXH, tập trung cao nhất tại khu vực các tỉnh phía Nam, chiếm trên 53%, sau đó là khu vực miền Trung 40,5%, khu vực Tây Nguyên 3,4% và khu vực phía Bắc 2,8%. Đặc biệt, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn cao điểm của dịch SXH, tại nhiều tỉnh thành phố như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Nai... số ca mắc SXH đang tăng khá mạnh những tuần gần đây.

Ông PHẠM VĂN TUẤN (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, TPHCM):

Đối với dịch SXH không phải bệnh mới nhưng thường xảy ra nên Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh liên tục tuyên truyền cho người dân cách phòng chống bệnh. Muỗi vằn truyền bệnh SXH chỉ sinh sản trong môi trường nước, không phát triển trong bụi rậm.

Huyện Bình Chánh với diện tích rộng, dân cư đông, đặc biệt là dân nhập cư tăng mỗi năm. Hiện nay, huyện Bình Chánh có nhiều nhà bỏ hoang, công trình dang dở, đó cũng là nơi tiềm ẩn sinh sản muỗi vằn. Dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân, nhắc nhở các đơn vị thi công công trình, trong cộng đồng nhưng cũng còn có nơi vẫn chưa thực hiện tốt. Đối với trường hợp đã nhiều lần nhắc nhở sẽ bị xử phạt hành chính.

Song song đó, những khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra bệnh SXH bởi phần lớn người dân nơi đây là nhập cư, điều kiện sống khó khăn, ở tạm trong nhà trọ, suốt ngày đi làm nên không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Cùng với đó, thời tiết mùa này thường xuyên xảy ra mưa, nên xuất hiện những nơi tụ nước. Do đó, người dân không nên chủ quan đã có chính quyền địa phương thường xuyên phun thuốc xịt muỗi. Phun thuốc chỉ có hiệu quả đối với những nơi có nhiều trường hợp bị bệnh. Chỉ cần có nước tụ đọng là muỗi vằn sẽ sản sinh rất nhanh. Cách duy nhất phòng bệnh là không có những chỗ nước tụ đọng.

Bà NGUYỄN THỊ THANH HẰNG (Phó chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM):

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại địa bàn phường xuất hiện rải rác một vài ca bệnh SXH, nhưng không tập trung thành ổ dịch. Thông qua các cuộc họp tổ dân phố, phường cũng thường xuyên thông tin tuyên truyền về cách thức, phương pháp phòng bệnh như: diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; đậy kín hoặc lật úp (khi không dùng đến) các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thu gom, hủy các vật phế thải như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, lốp xe cũ, hốc cây, bẹ lá...; dọn rác thải, vệ sinh môi trường, ngủ trong màn…

Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, phường đã chủ động xây dựng các nhóm liên lạc để kịp thời tiếp nhận phản ánh của người dân về nhiều mặt, trong đó có việc đề phòng dịch bệnh. Khi có thông tin liên quan, phường sẽ phối hợp trung tâm y tế quận tổ chức khảo sát, phun thuốc diệt muỗi. Việc này đã thực hiện ở 12 tổ được xác định là muỗi nhiều, điều kiện vệ sinh chưa cao.

Ngoài ra, trên địa bàn phường cũng còn một số điểm chưa giải quyết được triệt để phòng bệnh SXH do điều kiện khách quan, như khu vực rạch cầu Hai Heo, thuộc khu phố 7, bà con trong khu phố mặc dù đã tự giác tổ chức nạo vét, dọn dẹp, tổng vệ sinh khu vực này định kỳ mỗi tuần, nhưng thực tế rác vẫn theo thủy triều tràn vào rạch, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

THÀNH AN - MINH KHANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-bao-benh-sot-xuat-huyet-vao-mua-683925.html