Cảnh báo an toàn hồ - đập Việt Nam

Hai năm liên tiếp, 2017 và 2018, ở Lào đã xảy ra hai thảm họa vỡ đập thủy điện gây thiệt hại nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến nay, ở Việt Nam đã có những sự cố liên quan đến việc thi công và vận hành các đập nước làm chết người, thiệt hại tài sản dân cư và các công trình hạ tầng nhà nước.

Rò rỉ nước ở mặt ngoài mái hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đe dọa an toàn hồ chứa. Ảnh Lê Anh Tuấn

Khả năng an toàn của nhiều đập nhỏ và vừa chưa được đặt ra đúng mức

Việt Nam là nước có nhiều sông suối trải dài từ vùng đồi núi phía Bắc, dọc dãy Trường Sơn xuống vùng trung du miền Trung, vùng cao khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Đặc điểm chính của hệ thống sông ngòi ở Việt Nam là đa số có chiều dài dòng chính trong mức trung bình và ngắn, độ dốc dòng chảy lớn, lưu vực tập trung nước khá hẹp về bề ngang so với bề dài. Đặc điểm này có thể thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi công trình thủy điện ở nhiều bậc nước khác nhau nhưng khá rủi ro khi có bất thường về thiên tai.

Đặc điểm của hệ thống sông ngòi Việt Nam có thể thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi công trình thủy điện ở nhiều bậc nước khác nhau nhưng khá rủi ro khi có bất thường về thiên tai.

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng hơn 6.500 hồ - đập lớn nhỏ, phục vụ chính cho mục tiêu phát điện, phòng lũ và tưới nước. Các mục tiêu khác như cấp nước, ngăn mặn, giao thông thủy... chỉ là những mục tiêu phụ, không đáng kể. Trong đó, lớn nhất về hồ chứa thủy điện là hồ Hòa Bình có dung tích 9,4 tỉ mét khối nước (khởi công xây dựng từ năm 1979) và về hồ chứa thủy lợi là hồ Dầu Tiếng có dung tích chứa 1,5 tỉ mét khối nước (khởi công xây dựng từ năm 1981). Phần lớn các hồ chứa lớn được thiết kế xây dựng từ hơn 20-30 năm trước, sử dụng chuỗi số liệu thủy văn từ khoảng những năm 1960, 1970 trở đi. Khi đó, số liệu đo đạc diễn biến mưa lũ khác với hiện nay, các thông số thiết kế đều chưa nghĩ đến yếu tố biến đổi khí hậu, nên sự bất thường về thời tiết cực đoan do các yếu tố biến đổi khí hậu là điều cần phải xem xét để bảo đảm sự an toàn vận hành đập ở các thời đoạn cao điểm mùa mưa bão.

Điều đáng lo về hiện trạng các hồ chứa ở Việt Nam là khả năng an toàn của khá nhiều đập thủy điện có quy mô nhỏ và vừa chưa được đặt ra đúng mức. Các công trình thủy điện - hồ chứa lớn có điều kiện quy tụ nhiều cán bộ kỹ thuật giám sát và vận hành, có chuẩn bị các kịch bản ứng phó và hệ thống cảnh báo sớm. Các công trình thủy điện - hồ chứa nhỏ và vừa thường ở những vùng hẻo lánh, hệ thống hạ tầng đi lại và thông tin kém, số liệu cơ bản thiếu, không có đủ số cán bộ quản lý có kinh nghiệm, rừng phòng hộ bị tàn phá, ít khả năng phục hồi nên nguy cơ thuộc loại cao. Nhiều sự cố thủy điện nhỏ và vừa đã xảy ra: rò rỉ mái hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) năm 2012, vỡ đập thủy điện Dak Mek 3 (Kom Tum) năm 2012, thủy điện La Krel 2 (Gia Lai) bị vỡ 2 lần năm 2011...

Cảnh giác không bao giờ thừa

Cảnh giác không bao giờ thừa. Không một chuyên gia nào dám khẳng định hệ thống kiểm soát an toàn đập là an toàn tuyệt đối cho những tình huống bất trắc hiện nay và trong tương lai. Vì lại, cần thường xuyên đánh giá lại để điều chỉnh.

Thứ nhất, cần có những đánh giá và dự báo toàn diện những nguy cơ bất thường của tự nhiên trong các năm tới. Thực tế, cho thấy nhiều phỏng đoán biến đổi khí hậu, ngay cả ở những nước phát triển, trong một số tình huống, vẫn dưới những kỷ lục cực đoan của thiên tai. Nếu chỉ dựa vào chuỗi số liệu khí tượng - thủy văn quá khứ để tính tần suất rủi ro thì hệ số gia trọng cho yếu tố an toàn cần phải điều chỉnh cao hơn. Cần xem xét sửa lại các quy định theo tình huống mới, nghiêng về an toàn cao hơn, dù phải chấp nhận sự tốn kém cho việc gia cường công trình và thiết bị đối phó nhiều hơn.

Thứ hai, nhiều chủ đầu tư công trình thủy điện không thực hiện đúng cam kết trồng bù diện tích rừng bị mất do công trình gây ra như quy định tại điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Có hiện tượng chủ đầu tư lợi dụng việc xây dựng thủy điện để phá rừng nhiều hơn so với yêu cầu hay viện dẫn việc địa phương không thể bố trí đất để thoái thác cam kết trồng rừng... Nhiều nơi, chủ đầu tư chỉ đóng tiền trồng bù rừng cho địa phương bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và xem như đã làm hết trách nhiệm. Chính quyền địa phương thu tiền này rồi có trồng lại rừng hay không thì thông tin rất mù mờ.

Một số nơi đang áp dụng Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ rừng. Tuy nhiên, nguồn tiền này chưa được sử dụng đúng mức để bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Mức chi trả vẫn còn là thấp nên không khuyến khích nhiều người dân tham gia bảo vệ rừng.

Thứ ba, nhiều công trình thủy điện ở địa phương chưa tính đến hoặc chưa chuẩn bị đầy đủ các phương án vỡ đập để có biện pháp đối phó khẩn cấp phù hợp. Các thực tập báo động, di tản khẩn cấp, thực hiện các biển báo chỉ dẫn đường chạy lánh nạn rất cần thiết. Nhiều nơi chỉ làm một số diễn tập hình thức, “trình diễn” là chính, chưa có nơi nào thực tập các tình huống báo động “giả” (không báo trước) để thử nghiệm phản ứng của chính quyền và người dân nhằm rút kinh nghiệm.

Thứ tư, nhiều công trình hồ chứa nhỏ và vừa không có hoặc có rất ít dung tích phòng lũ. Do thiếu hệ thống quan trắc và dự báo nên chủ đầu tư không hoàn toàn chủ động xả nước hồ chứa trước mưa lũ để phòng ngừa. Điều này rất rủi ro cho hồ - đập khi có mưa lớn, lũ về nhanh. Nhiều trường hợp, gần đến nguy cơ vỡ đập, hồ chứa thủy điện mới xả nước khẩn cấp gây tình trạng “lũ chồng lũ” cho hạ lưu. Bộ Công Thương cần liên tục thanh tra và phân loại mức độ an toàn của hệ thống hồ - đập, cương quyết buộc chủ đầu không được tích nước hồ chứa khi các thông số kỹ thuật và điều kiện an toàn công trình đến dân sinh không bảo đảm.

Thứ năm, nhiều hồ chứa không có cửa xả đáy khẩn cấp hoặc có nhưng rất ít hoạt động và kiểm tra thường xuyên, đến khi hữu sự thì vận hành bị kẹt hoặc chậm điều khiển. Đập thủy điện Sông Tranh 2 khi đi vào vận hành đã có sự cố rò nước hạ lưu mái đập vào năm 2012 nhưng không thể xả đáy khiến hàng ngàn dân hạ lưu hoảng sợ.

Thứ sáu, việc thực thi mạng lưới giám sát công trình của cộng đồng cư dân tại chỗ gần như chưa được đặt ra đầy đủ như một giải pháp “đồng quản lý”. Không ai hoàn toàn có thể phát hiện đầy đủ các nguy cơ công trình như dấu hiệu rò rỉ, xuất hiện vết nứt, hang lỗ, xê dịch thân đập hoặc đồi núi chung quanh nếu không có sự hỗ trợ của người dân thường xuyên đi lại, sản xuất gần vị trí công trình. Nếu cần, phải có những buổi tập huấn cho cộng đồng cách phát hiện các dấu vết bất thường của công trình và cách thông báo cho chính quyền hoặc đơn vị quản lý biết.

Thứ bảy, cần tiếp tục cập nhật quy trình vận hành liên hồ theo những kịch bản bất lợi nhất, rà soát các thông số liên quan. Năm 2014, theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội qua phiên họp ngày 27-11-2013, cả nước phải có những rà soát công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Công việc này phải được thực thi thường xuyên trước mỗi mùa mưa bão. Việc kiểm tra, giám sát cần có những chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia nước ngoài để mang tính khách quan, không thể để riêng cho cán bộ quản lý trong ngành hoặc chủ đầu tư tự đánh giá và tự báo cáo. Một số quốc gia có nhiều hệ thống thủy điện đã thành lập Ủy ban Giám sát hư hỏng và sự cố đập, như Mỹ có Dam Failures & Incidents Committee (DFIC). Nếu cần, chính quyền buộc phải đóng cửa những hệ thống thủy điện thiếu an toàn, hoặc mạnh tay hơn là yêu cầu phá dỡ những công trình đã cũ kỹ, có nguy cơ gây thảm họa, tác động nghiêm trọng đến sự an sinh và an toàn cho người dân và môi trường.

(*) Đại học Cần Thơ

Lê Anh Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276348/canh-bao-an-toan-ho--dap-viet-nam-.html