Cảnh báo (3): Phải làm gì khi lỡ chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo, giả danh qua điện thoại?

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, thời gian gần đây, hình thức lừa đảo giả danh qua điện thoại lại rộ lên, và vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân. Dù hình thức lừa đảo này không mới, song những kẻ xấu vẫn dễ dàng chiếm đoạt nhiều tỉ đồng chỉ qua vài cuộc điện thoại đơn giản. Vậy phải làm gì khi chúng ta lỡ chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo đó?

Thủ đoạn không mới, song nhiều ngươi vẫn… tin

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Thượng tá Ngô Minh An – Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội – cho biết, từ đầu năm 2017 tới nay, thống kê sơ bộ trên địa bàn TP đã có 25 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức giả danh qua điện thoại, tổng số tiền bị lừa đảo lên tới 13 tỉ đồng.

“Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, song vẫn có nạn nhân bị mắc bẫy. Khó khăn lớn nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm này là những kẻ chủ mưu sống ở nước ngoài, tổ chức thực hiện hành vi rất chuyên nghiệp”, Thượng tá Ngô Minh An cho hay.

Thượng tá Ngô Minh An – Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội

Thượng tá Ngô Minh An – Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội

Phương thức chung là các đối tượng gọi điện thoại qua internet giả mạo số điện thoại của cơ quan công an đến số máy cố định hoặc di động của bị hại. Các số điện thoại gọi đến cho bị hại đều có thêm dấu “+” trước dãy số, như +08xxxx. Các đối tượng cũng chỉ nói chuyện qua điện thoại mà không có người trực tiếp đến gặp và làm việc với bị hại.

“Ban đầu, các đối tượng xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước điện thoại. Sau đó, đối tượng chuyển máy cho bị hại nói chuyện với người tự xưng là cán bộ công an, đại diện Vện Kiểm sát... Từ sự việc ban đầu, các đối tượng lừa đảo nâng mức độ nghiêm trọng khi thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng với số tiền rất lớn, làm cho bị hại hoảng loạn. Để cho bị hại tin là thật, các đối tượng yêu cầu bị hại hỏi 1080 xem số điện thoại chúng gọi có phải là của công an hay không. Sau đòn tâm lý này, các đối tượng tiếp tục đe dọa bị hại, nếu không làm theo họ thì bị hại sẽ bị triệu tập vào TP. Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai 3 tháng để phục vụ điều tra. Các đối tượng yêu cầu bị hại giữ bí mật không được nói với ai”, Thượng tá Ngô Minh An mô tả phương thức gây án.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại khai báo mình có bao nhiêu tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tiền, rồi yêu cầu họ phải rút toàn bộ số tiền mà họ có, gửi vào tài khoản mà đối tượng chuẩn bị sẵn, với lý do chuyển cho cơ quan công an để xác minh, kiểm tra, giám định, nếu không có liên quan thì sẽ trả lại. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức rút ra hoặc chuyển khoản ra nước ngoài, để chiếm đoạt toàn bộ.

Phải làm gì khi lỡ chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo?

Thượng tá Ngô Minh An cho hay, trong những vụ án mà Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (CATP Hà Nội) điều tra, khi lần manh mối theo các số tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo, các anh phát hiện ra thực trạng rất đáng báo động.

Đó là, những kẻ chủ mưu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân ở vùng giáp ranh biên giới, để trả tiền từ 2-4 triệu đồng cho mỗi người, nhằm mượn chứng minh thư nhân dân của họ để đăng ký tài khoản ngân hàng.

“Những kẻ chủ mưu nói rằng đang nhập hàng vào Việt Nam song chưa có tài khoản ngân hàng để thanh toán, nên mượn CMND của người dân để tạo. Được trả tiền hậu hĩnh, lại không bị đòi hỏi gì nhiều, nên không ít người dân đã dễ dãi đáp ứng yêu cầu”, Thượng tá Ngô Minh An chia sẻ.

Do vậy, khi lực lượng công an tìm tới những đầu mối thông tin tạo lập tài khoản ngân hàng này, nhiều người tỏ ra bất ngờ và không biết gì về các đối tượng “mượn” CMND của mình.

Các đối tượng lừa đảo liên tục gọi vào máy điện thoại của người dân, và sẽ "dẫn dắt" nạn nhân tới cùng khi gặp người nhẹ dạ

“Các đối tượng lừa đảo thường tập trung vào ngày thứ 6, để khi bị hại chuyển tiền xong thì cũng là thời điểm cuối tuần, các ngân hàng chỉ mở cửa giao dịch trực tuyến, gây khó khăn cho bị hại trong việc xác minh, tra cứu. Ngay khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ tiến hành chuyển khoản sang tài khoản ở nước ngoài, hoặc dùng một số thủ thuật đổi tiền, đổi hàng… để nhanh chóng chiếm đoạt và xóa dấu vết”, Thượng tá Ngô Minh An cho biết thêm.

Với thủ đoạn, phương thức lừa đảo như vậy, Thượng tá Ngô Minh An đưa ra lời khuyên cho người dân, trong trường hợp lỡ chuyển tiền cho những kẻ giả danh qua điện thoại: “Điều quan trọng nhất cần thực hiện ngay là báo cho cơ quan công an để nhanh chóng phong tỏa tài khoản nghi ngờ của những kẻ lừa đảo, bởi chỉ cần một khoảng thời gian ngắn sau khi nhận được tiền, chúng sẽ tẩu tán để chiếm đoạt. Mức độ thành công trong việc ngăn chặn, thu hồi tài sản bị mất phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố trình báo sớm hay muộn của bị hại. Bên cạnh đó, tài khoản ngân hàng của các đối tượng lừa đảo là tài khoản cá nhân, không phải tài khoản của cơ quan công an. Người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này trước khi thực hiện chuyển khoản”.

Ngoài ra, Thượng tá Ngô Minh An cũng khuyến cáo người dân không tin những kẻ giả danh qua điện thoại, vì “cơ quan công an không xác minh đối tượng bằng cách gọi điện, mà sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập cụ thể”.

“Những người dân ở vùng giáp ranh biên giới, hoặc ở nông thôn… cần giữ gìn cẩn thận CMND của mình, không cho mượn, cho thuê, vì có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi đó, mọi việc sẽ rất phức tạp”, Thượng tá Ngô Minh An lưu ý thêm.

Mời độc giả tiếp tục theo dõi kỳ sau để biết về một vụ án cụ thể mới được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội, điều tra và phá án, bắt giữ một loạt đối tượng có liên quan.

Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/canh-bao-3-phai-lam-gi-khi-lo-chuyen-tien-cho-nhung-ke-lua-dao-gia-danh-qua-dien-thoai/749527.antd