'Canh bạc' vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ

Thông báo hồi đầu tuần này của hãng dược phẩm Pfizer, có trụ sở tại Mỹ, rằng thuốc tiêm ngừa Covid-19 của họ dường như có thể bảo vệ cho 9/10 người không nhiễm bệnh, khiến giá cổ phiếu của công ty tăng vọt, trong khi giới chuyên gia vẫn tỏ ra hết sức thận trọng.

"Một canh bạc" mới?

Theo dữ liệu sơ bộ từ thử nghiệm của Pfizer, cùng đối tác của họ - công ty BioNTech của Đức, đây là một loại vaccine sử dụng RNA thông tin (mRNA). Nó được tiêm 2 liều, cách nhau 3 tuần, và hiện cho thấy khả năng bảo vệ đến 90% người khỏi các triệu chứng của Covid-19.
Trong khi các loại vaccine thông thường được sản xuất bằng cách sử dụng các dạng virus bất hoạt hoặc đã bị làm yếu đi, mRNA chỉ sử dụng mã di truyền của virus. Chúng hoạt động bằng cách ra lệnh cho các tế bào trong cơ thể tạo ra kháng nguyên, được hệ thống miễn dịch nhận ra và chuẩn bị cho nó để chống lại virus. Một số người tin rằng vaccine mRNA an toàn hơn cho bệnh nhân vì chúng không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào của virus được tiêm vào cơ thể.

 Bên ngoài trụ sở công ty dược phẩm đa quốc gia Pfizer ở TP New York.

Bên ngoài trụ sở công ty dược phẩm đa quốc gia Pfizer ở TP New York.

Tiến sĩ Michael Watson, cựu Chủ tịch Valera, một công ty con của hãng dược Moderna (Mỹ), đánh giá: “Đây là lần đầu tiên thực sự có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đang có trong tay một loại vaccine hoàn toàn mới”. Tuy nhiên, nếu xét về mặt lịch sử, các thông báo khoa học quan trọng về vaccine thường được đưa ra thông qua các tài liệu nghiên cứu y khoa được đánh giá ngang hàng, thay vì thông cáo báo chí của công ty. Đây là điểm thiếu sót dễ thấy trước tiên về đánh giá loại vaccine Covid-19 mới của Pfizer/BioNTech.
Hơn hết, tỷ lệ 90% được cho là một kết quả tốt, nhưng hiện mới chỉ dựa trên 94 trường hợp bệnh đã xảy ra trong số 40.000 người đã được tiêm thử nghiệm vaccine hoặc giả dược. Pfizer cũng lưu ý trong quy trình thử nghiệm của mình rằng họ cần ít nhất 164 trường hợp mắc bệnh xảy ra trong suốt nghiên cứu, để có thể đánh giá một cách chính xác hơn hiệu quả của vaccine. Thông báo của Pfizer cũng mới chỉ bao gồm những người đã tiêm 2 mũi từ tháng 7 - 10/2020, mà chưa rõ khả năng bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu hoặc tần suất mọi người cần tiêm nhắc lại.
“Đó có thể là một canh bạc, cho rằng khả năng bảo vệ của vaccine trong 2 - 3 tháng có thể tương tự như 6 tháng - 1 năm, nếu nó (vaccine của Pfizer/BioNTech) được phê duyệt vào tháng 12 tới”, Tiến sĩ Paul Offit, thành viên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nói.
Thông thường tại Mỹ, một vaccine sẽ không được cấp phép cho đến khi chúng cho thấy khả năng bảo vệ từ 1 - 2 năm. Nhưng bất chấp những nghi ngại, Chính phủ Vương quốc Anh được báo cáo đã đặt mua trước 40 triệu liều cải tiến, trong khi Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon thông báo mua 20 tủ đông cực lạnh để bảo quản loại vaccine ngừa Covid-19 dự kiến được tung ra vào cuối năm nay.
Hệ thống phân phối đã
sẵn sàng…
Như chỉ chờ thông báo hôm 9/11 của Pfizer được phát ra, một hệ thống phân phối vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech đã lập tức được khởi động trên khắp châu Âu và Mỹ. Trước hết, vaccine sẽ xuất xưởng từ Mỹ, tùy thuộc vào sự chấp thuận của FDA. Theo Pfizer, họ sẽ phân phối vaccine Covid-19 từ các cơ sở có quy mô lớn của mình ở TP Kalamazoo, bang Michigan, và ở Puurs, Bỉ, để đáp ứng nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Các cơ sở ở Pleasant Prairie, bang Wisconsin, và ở Karlsruhe, Đức - nơi đặt trụ sở của BioNTech - cũng đang ở chế độ sẵn sàng thành nơi cung cấp.
Ở Michigan, hiện đã có sẵn 350 tủ đông lạnh lớn để chứa vaccine, với từng liều ra vào đều được theo dõi bởi một chương trình trên máy tính, có tên là Tiberius - thường liên kết dữ liệu từ các công ty vận chuyển tới Chính phủ Mỹ. Một điểm đặc biệt là vaccine của Pfizer/BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ đến -80 độ C, vì vậy mỗi thùng vận chuyển dự kiến sẽ chứa đầy đá khô và 975 lọ vaccine, mỗi lọ chứa 5 liều. Các cơ sở của Mỹ và Bỉ hiện ước tính họ có thể chuyển khoảng 7,6 triệu liều mỗi ngày.
Theo kế hoạch trước mắt, 6 chiếc xe tải vaccine mỗi ngày sẽ được vận chuyển đến các hãng hàng không như FedEx, UPS hoặc DHL - những hãng giao hàng trên khắp nước Mỹ trong thời gian 1 - 2 ngày, và trên toàn cầu trong 3 ngày. Khi các hộp bảo quản vaccine đã đến đích cuối cùng, chúng chỉ có thể được mở 2 lần/ngày và bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C. Nếu đảm bảo điều kiện này, vaccine có thể ở trong hộp trong 2 tuần và các cơ sở cung cấp thuốc tiêm sẽ không cần tủ đông đặc biệt.
Các dịch vụ chuyển phát cũng đang chuẩn bị các cơ sở riêng để phục vụ nhu cầu “giải cứu” thế giới khỏi đại dịch. Chẳng hạn, UPS đã xây dựng 2 trại cấp đông, một ở Hà Lan và một ở Mỹ, để chứa tổng cộng 600 tủ đông lạnh, mỗi ngăn có thể chứa 48.000 lọ vaccine ở nhiệt độ thấp tới -80 độ C. Máy bay chuyên dụng sẽ được điều chỉnh quyền vận chuyển hàng hóa để chúng có thể chở một lượng băng khô lớn như vậy - được cho có thể nguy hiểm đến tính mạng.
… nhưng không đến với tất cả
Theo số liệu của truyền thông quốc tế về vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, ngoài 100 triệu liều trước tiên phải được đảm bảo cho thị trường Mỹ, 200 triệu liều sẽ được chuyển đến EU, và 40 triệu liều đến Vương quốc Anh. Trong khi đó, Pfizer dự kiến sẽ chỉ có 50 triệu liều sẵn sàng trong năm nay, đủ để tiêm chủng cho 25 triệu người, và hứa hẹn mục tiêu tiêm cho 1,3 tỷ người vào cuối năm 2021.
Như vậy, với quy mô dân số thế giới và thực tế là vaccine cần 2 liều, việc tiêm chủng phổ cập loại vaccine này còn lâu mới thực hiện được, ngay cả khi nó được thông qua trong năm nay. Đặc biệt đối với các quốc gia ít giàu có hơn, việc đặt hàng trước và bảo quản loại vaccine yêu cầu nhiệt độ thấp - hơn mức trung bình của vaccine thông thường đến 50 độ C - là vấn đề thực sự nan giải.
Trong khi Liên Hợp quốc được cho đang nỗ lực cung cấp tủ lạnh cho các nước nghèo hơn, Ngân hàng Thế giới đã công bố một kế hoạch tiêm chủng cho 2 tỷ người nghèo nhất thế giới, trị giá gần 400 triệu USD để giúp các quốc gia như Nigeria và Ấn Độ - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Tháng 9 vừa qua, Liên minh vaccine GAVI, thuộc sở hữu của Quỹ Bill & Melinda Gates, đã công bố một thỏa thuận ràng buộc giữa 64 quốc gia có thu nhập cao hơn để đảm bảo vaccine có thể được phân phối công bằng, gọi là COVAX.
Vì vaccine 2 liều yêu cầu những cải tiến từ cùng một nhà sản xuất, nên nếu không có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về vaccine của Pfizer/BioNTech, nhiều quốc gia được cho sẽ phải tìm giải pháp thay thế rẻ hơn. Chẳng hạn, các quốc gia Nga và Trung Quốc gần như đã có sẵn vaccine Covid-19 của riêng mình, tạo ra 2 trung tâm phân phối vaccine tiềm năng bên ngoài phương Tây. Ngay sau thông cáo của Pfizer hôm thứ Hai, Nga tuyên bố vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của mình “có hiệu quả 92%” trong các đánh giá tạm thời.
Nhìn chung, nỗ lực phát triển vaccine tiềm năng lúc này đáng được tôn vinh, nhưng với nhận thức rằng đây chỉ là một bước trong cả một hành trình dài phía trước, thêm hy vọng cho mục tiêu đưa thế giới trở lại bình thường.

"Đó có thể là một canh bạc, cho rằng khả năng bảo vệ của vaccine trong 2 - 3 tháng có thể tương tự như 6 tháng - 1 năm, nếu nó (vaccine của Pfizer/BioNTech) được phê duyệt vào tháng 12 tới." - Tiến sĩ Paul Offit, thành viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-bac-vaccine-ngua-covid-19-cua-my-401708.html