Canh bạc tài chính của châu Âu

Nhằm hỗ trợ những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tháng 7 vừa qua, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua khoản tiền 750 tỷ euro để giúp đỡ các quốc gia thành viên, trong đó có 390 tỷ euro dưới dạng viện trợ không hoàn lại và 360 tỷ euro dưới dạng cho vay.

Chương trình mang tên “EU thế hệ tiếp theo” được ca ngợi như một bước đột phá bởi EU chưa bao giờ cho vay để tài trợ chi tiêu, chứ chưa nói đến việc viện trợ tài chính cho các quốc gia trong khối. Tuy nhiên, chương trình này cùng Quỹ Phục hồi và Duy trì (RRF) có thể sẽ “ngốn” gần hết nguồn tiền của EU, biến mọi dự định thành một canh bạc mạo hiểm. Nếu thành công, kế hoạch có thể mở đường cho những sáng kiến tham vọng hơn và thậm chí là việc thành lập một liên minh tài chính bên cạnh liên minh tiền tệ được hình thành cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, nếu chương trình không thể giúp EU đạt được các mục tiêu đã đề ra, hoặc lợi ích chính trị lấn át lợi ích kinh tế, những nguyện vọng của cả một thế hệ sẽ hoàn toàn tan biến.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra liên quan tới quy mô của chương trình viện trợ. Nhìn bề ngoài, 390 tỷ euro viện trợ không hoàn lại có vẻ là một khoản tiền lớn để chi tiêu trong một vài năm, song trên thực tế nó chỉ chiếm chưa tới 3% GPD của EU. Ông Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, chỉ ra rằng, riêng gói hỗ trợ tài chính mà Chính phủ Mỹ đưa ra để đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 đã lên tới 1.600 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP. Và số tiền lớn gấp 3-4 lần những gì mà EU dự định chi thực tế được dùng để đối phó với một cú sốc ít nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng hiện này.

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến kinh tế thế giới lao đao. Ảnh tư liệu

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến kinh tế thế giới lao đao. Ảnh tư liệu

Về tổng thể, mỗi quốc gia vẫn cần phải tự chịu trách nhiệm trong việc ngăn ngừa tác động tiêu cực của đại dịch ở chính nước mình.

Trên thực tế, các gói hỗ trợ tài chính được các nước đầu tàu trong EU cam kết có giá trị tương đương với từ 7-12% của các quốc gia đó, và thậm chí khoản hỗ trợ đang được lên kế hoạch còn có giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, những viện trợ không hoàn lại của EU có thể tạo ra những khác biệt rất lớn cho các quốc gia vẫn đang vật lộn hồi phục từ cuộc khủng hoảng đồng tiền chung euro.

Theo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), toàn bộ khoản tiền cho vay theo dự kiến tương đương 4% GDP của Tây Ban Nha, 5% GDP của Bồ Đào Nha và 8% GDP của Hy Lạp. Số tiền này lớn hơn khoản viện trợ 2,6% GDP mà Mỹ chuyển cho EU theo Kế hoạch Marshall. Nếu được đầu tư một cách khôn ngoan, nguồn tiền nói trên có thể thực sự thay đổi vận mệnh kinh tế của quốc gia nhận viện trợ.

Câu hỏi tiếp theo liên quan tới tốc độ giải ngân. Các nền kinh tế EU đã “rơi tự do” kể từ mùa xuân và dù ở thời điểm hiện tại, hầu hết đã thoát khỏi “vùng đáy” song cơ bản vẫn giữ mức tăng trưởng âm 5%. Nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai đang tới gần, và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, khiến câu hỏi cấp bách hiện nay là liệu động lực tăng trưởng của các nền kinh tế có đủ sức chống đỡ hay không?

Nếu đà phục hồi của EU chững lại, vòng luẩn quẩn của việc thắt chặt chi tiêu và giảm kỳ vọng chắc chắn là điều khó tránh khỏi, dẫn tới nguy cơ suy thoái kép. Bởi vậy, chiến lược phù hợp trong bối cảnh hiện nay là cần đảm bảo tốc độ giải ngân ngân sách phù hợp với nhịp độ phục hồi kinh tế. Nguồn tiền phải được đảm bảo “sẵn” và được nhanh chóng triển khai khi cần.

Tuy nhiên, người ta cũng không nên vội vã và dễ dẫn đến những sai lầm. Các gói hỗ trợ của EU chưa thể giải ngân nếu khối chưa nhất trí về các ưu tiên, thủ tục và điều kiện – những khúc mắc cần thời gian để ngã ngũ. Theo ECB, sẽ chỉ có chưa đến 10% gói hỗ trợ có cơ hội được giải ngân trong năm 2021. Do đó, trách nhiệm duy trì đà phục hồi kinh tế vẫn nằm trên vai các quốc gia thành viên EU.

Mục tiêu của chương trình “EU Thế hệ Tiếp theo” là nhằm vạch ra một con đường phát triển kinh tế mới. Kế hoạch này hướng tới việc củng cố sức bền cho nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon, tăng tốc độ số hóa và hạn chế các tác động của đại dịch đối với xã hội và khu vực. Điều này dẫn tới câu hỏi thứ ba, không phải các nguồn viện trợ sẽ được chuyển cho các nước phía Nam với tốc độ như thế nào và là liệu nó có đủ để hóa giải được những khúc mắc tồn tại lâu năm như năng suất lao động thấp, thất nghiệp do bất cập về cấu trúc, bất bình đẳng xã hội và sự lệ thuộc vào các công nghệ sử dụng nhiều carbon.

Hội đồng châu Âu gần đây đã vạch rõ các tiêu chuẩn về đầu tư và kế hoạch cải cách mà các nước thành viên phải đáp ứng nếu muốn nhận viện trợ. Dù các chính quyền quốc gia có quyền chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, song những dự thảo này vẫn có thể được xem xét lại nếu EU cho rằng chúng quá mơ hồ hoặc không hiệu quả. Điều này có thể gây nên những căng thẳng chính trị ở nhiều quốc gia thành viên.

Thỏa hiệp là thứ gì đó rất nhạy cảm và rất dễ đổ vỡ. Kế hoạch của các quốc gia thành viên sẽ được đánh giá dựa trên các mục tiêu đã đặt ra và mục tiêu chung như tăng trưởng, việc làm và tốc độ hồi phục. Tiền sẽ được giải ngân cho quốc gia nào đạt được những mục tiêu đã cam kết. Những dàn xếp này không phải là kiểu ra điều kiện chính trị hoặc phê duyệt một cách bốc đồng. Thay vào đó, quá trình này giống như một dạng hợp đồng, tiền được chi để đạt được một số mục tiêu nào đó và EU sẽ kiểm tra xem “đối tác” có thỏa mãn những điều kiện để đạt được các mục tiêu đó hay không.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/canh-bac-tai-chinh-cua-chau-au-212168.html