'Canh bạc' mạo hiểm

Chiến dịch quân sự 'Mùa xuân hòa bình' của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới tiêu diệt các mục tiêu của người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria mới bắt đầu chưa lâu nhưng đã kéo theo 'bão dư luận'.

Đây không phải lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria và thực hiện các cuộc tấn công được cho là nhằm vào các thế lực mà Ankara coi là khủng bố, đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. “Mùa xuân hòa bình” gợi nhớ tới “Lá chắn sông Euphrates”-chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với Mỹ nhằm tấn công tiêu diệt IS tại Syria năm 2016 kéo theo nhiều hệ lụy. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc âm mưu chia lại quyền lực ở Syria, duy trì sự ảnh hưởng ở quốc gia láng giềng đang chìm trong xung đột phe phái, sắc tộc. Thậm chí, người ta còn đồ rằng chiến dịch quân sự đó có thể là sự khởi đầu mới cho hoạt động quân sự chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Nhưng lần này có vẻ khác hơn. Thổ Nhĩ Kỳ hành động một mình, không có sự tham gia của Mỹ. Khu vực biên giới ở đông bắc Syria đã sạch bóng quân đội Mỹ sau khi nước này tuyên bố rút quân khỏi đây. Mỹ cũng tuyên bố không dính dáng gì tới chiến dịch quân sự nhiều tranh cãi này của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trước đó, chính quyền Washington đã có kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Syria nhưng vấp phải sự cản trở từ các thế lực trong nước. Các nhân vật “diều hâu” trong chính quyền không muốn Mỹ mất đi vai trò ở địa bàn chiến lược Syria và lo ngại các đồng minh chống khủng bố của Mỹ ở đây sẽ gặp nguy hiểm sau khi Mỹ rút đi, khiến những kết quả của cuộc chiến chống IS có nguy cơ uổng phí.

 Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Akcakale của nước này bắt đầu tiến qua biên giới Syria. Ảnh: Getty Images.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Akcakale của nước này bắt đầu tiến qua biên giới Syria. Ảnh: Getty Images.

Nhưng những diễn biến xung quanh chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến người ta nghĩ tới khả năng phải chăng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngầm bắt tay nhau để điều khiển những chuyển động đáng lo ngại gần đây ở khu vực biên giới Syria. Bởi việc rút quân khỏi khu vực biên giới Bắc Syria của Mỹ chẳng khác nào hành động dọn đường để Ankara thẳng tay tiêu diệt các tay súng người Kurd từng là đồng minh chống IS của Washington tại Syria. Ankara dù sao cũng phải nể đồng minh lớn Washington trước khi muốn nhổ đi cái gai trong mắt này. Trong suốt những năm tháng Mỹ tiến hành cuộc chiến chống IS ở Syria, Washington bất chấp búa rìu dư luận đã bơm tiền và vũ khí cho các tay súng người Kurd để san bớt gánh nặng chống khủng bố. Thậm chí ngay cả sau khi đã rút quân và bị chỉ trích là “bỏ rơi” đồng minh người Kurd, Mỹ vẫn xoa dịu dư luận bằng những tuyên bố như “hắt nước đổ đi” với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn cản các hành động quân sự của nước này ở Syria.

Thế nhưng, trước những chỉ trích của dư luận cho rằng Mỹ “bỏ rơi” đồng minh người Kurd, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump-đại ý rằng người Kurd dù sao cũng đã được Mỹ trả tiền và hỗ trợ nhiều vũ khí, cũng đủ để hiểu thiện chí của Washington đến mức nào.

Trong khi đó, một cuộc hẹn ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được lên lịch vào ngày 13-11 tới. Những tuyên bố cứng rắn trước đó mà Mỹ "ném" về phía Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như không làm ảnh hưởng tới cuộc gặp hứa hẹn sẽ giúp hai đồng minh này xích lại gần nhau hơn trong vấn đề Syria. Người ta cho rằng, đây cũng có thể là dịp để hai đồng minh ngồi lại bàn những bước đi tiếp theo trên “bàn cờ” Syria.

Với Washington, biết bao công sức và tiền bạc đã được đổ vào cuộc chiến Syria nhằm duy trì vai trò ảnh hưởng, nên Mỹ sẽ không dễ gì buông bỏ. Tuy nhiên, trước ngưỡng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần lựa chọn những bước đi an toàn nhất để đưa toàn bộ binh lính Mỹ trở về như lời hứa với cử tri, mà vẫn bảo đảm duy trì những ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông. Trong đó lựa chọn mà Mỹ có thể cân nhắc là một cuộc chiến ủy nhiệm mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò trung tâm.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, những hỗn loạn ở Syria chính là cơ hội để chính quyền Tổng thống Erdogan thực hiện các toan tính lợi ích từ lâu ở quốc gia láng giềng. Nước này muốn thiết lập một vùng an toàn ở khu vực biên giới với Syria để hồi hương hàng triệu người tị nạn Syria đang ngày càng trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế trì trệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng giúp Ankara khống chế các tay súng người Kurd ở bên kia biên giới.

Cái tên của chiến dịch-“Mùa xuân hòa bình”-của Ankara khiến người ta liên tưởng tới một kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Erdogan tại quốc gia láng giềng. Dường như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hy vọng có thể lấp được khoảng trống ở Syria sau khi Mỹ rút quân. Duy trì ảnh hưởng ở Syria và gia tăng vai trò ở khu vực là tham vọng mà chính quyền Tổng thống Erdogan không hề che đậy trong suốt những năm nhà lãnh đạo này cầm quyền.

Những toan tính lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” dường như đang tạo ra một tiền lệ xấu, đẩy đất nước Syria và khu vực vào những mối nguy hiểm mới về an ninh. Thậm chí nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng không loại trừ. Việc đưa quân vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền không thể được coi là hợp pháp cho dù với bất cứ lý do gì. Nếu không khéo, chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc về an ninh, vì chiến tranh nếu không được kiểm soát sẽ tiếp tục tạo ra làn sóng người tị nạn Syria tràn qua biên giới đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể nguy cơ hồi sinh của các phần tử khủng bố IS do lực lượng góp phần chống lại IS là người Kurd bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt. Cuộc chiến chống IS chưa thể coi là toàn thắng sau tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS của Mỹ trước đây. Bóng ma IS vẫn luôn là nỗi ám ảnh bởi hàng nghìn phần tử khủng bố mà các tay súng người Kurd đang giam giữ có thể "được" đào thoát và trở thành mối đe dọa với khu vực và toàn thế giới.

Người ta cũng không khỏi lo ngại bởi trong bối cảnh đất nước Syria đang có triển vọng chấm dứt xung đột với những bước tiến trong tiến trình chính trị sau khi Ủy ban Hiến pháp ra đời, nay lại có nguy cơ rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc. Đã có những con số thương vong đầu tiên của dân thường được ghi nhận. Người dân Syria đang cùng nhau bỏ chạy khỏi chiến tranh ở biên giới.

Chính quyền Ankara đang chơi một “canh bạc” đầy mạo hiểm. Cho dù vì lợi ích an ninh quốc gia hay vì mục tiêu gì chăng nữa, Ankara cũng cần phải thận trọng và hành động có trách nhiệm hơn, nếu không chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá bằng uy tín và an ninh quốc gia càng bị đe dọa hơn.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/canh-bac-mao-hiem-593216