Canh bạc khó lường của Elon Musk

Nhiều người trong giới công nghệ tin rằng Elon Musk có thể đưa con tàu Twitter vượt qua sóng gió, sau một tháng vị tỷ phú bỏ ra 44 tỷ USD để trở thành thuyền trưởng.

Phần lớn đội ngũ quảng cáo của Twitter đã bị sa thải. Nhiều công ty lớn như General Mills hay Macy đều đã tạm dừng quảng cáo trên nền tảng này, và thêm những hãng quảng cáo khác đang cân nhắc rời khỏi nền tảng, đặc biệt sau khi ông Musk mở khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay các nhân vật tranh cãi khác.

Đó dường như là điều tồi tệ với một doanh nghiệp mà phần lớn doanh thu đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, Twitter của Elon Musk thì lại khác.

Ông chủ của Tesla từng nói rằng mình “ghét quảng cáo”, do đó vị CEO mới của Twitter muốn công ty dựa vào doanh thu từ người đăng ký hơn là tiền quảng cáo.

“Tôi luôn nghĩ rằng việc chuyển qua kinh doanh theo hình thức đăng ký trả phí (Subscription Business) sẽ phù hợp hơn với Twitter… Nó chưa bao giờ là nền tảng quảng cáo tốt”, Larry Vincent, phó giáo sư ngành tiếp thị tại Trường Kinh doanh Marshall, cho biết. Ông cho rằng hoạt động quảng cáo của Twitter từ lâu đã lép vế so với đối thủ như Facebook, theo CNN.

Tuy nhiên, một số người trong ngành tin rằng ông có thể thành công.

Nhà sáng lập của Amazon Studios nói rằng Twitter trong tháng qua tạo được sự giải trí nhiều hơn Netflix với chỉ 8 USD phí đăng ký. Trong khi đó, CEO của Salesforce, Marc Benioff, nói rằng “đừng đánh giá thấp” vị tỷ phú Tesla.

Canh bạc với Elon Musk

Dù thích quảng cáo hay không, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh vốn 90% dựa vào quảng cáo không phải là chuyện ông Musk có thể thực hiện ngay lập tức.

Sau những hỗn loạn của Twitter gần đây, đã có nhiều tin đồn rằng các thương hiệu rời khỏi nền tảng này vì lo ngại quảng cáo có thể xuất hiện cạnh nội dung phản cảm.

Ngoài ra, các đơn vị quảng cáo cũng lo ngại về tính ổn định của Twitter, khi hàng loạt nhân việc rời công ty có thể khiến nền tảng dễ bị trục trặc và ngừng hoạt động.

 Đã gần một tháng kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản Twitter, kéo theo quá trình chuyển giao nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters.

Đã gần một tháng kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản Twitter, kéo theo quá trình chuyển giao nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters.

Để chuyển đổi Twitter thành một công ty dựa vào kinh doanh đăng ký sẽ đi ngược lại xu hướng, khi nhiều doanh nghiệp truyền thông khác đang gặp khó với mô hình này.

Nỗ lực thay đổi cách kinh doanh của ông Musk đã gặp thử thách ngay bước đầu, việc thu phí 8 USD để có tick xanh xác thực tài khoản đã ngay lập tức xuất hiện lỗ hổng, khi có nhiều tài khoản giả mạo được xác thực, khiến tính năng này phải tạm đóng.

Ban đầu, vị tỷ phú nói sẽ khởi động lại tính năng này vào ngày 29/11, nhưng thông tin hôm 21/11 cho biết ông có thể hoãn lại “tới khi tự tin rằng sẽ ngăn chặn được việc giả mạo”.

Một Twitter không dựa vào quảng cáo

Justin Kan, đồng sáng lập của nền tảng streaming Twitch, nói rằng ông nghĩ Twitter “nhiều khả năng sẽ sống khỏe (và có thể phát triển mạnh)”, một phần vì những người dùng thông thường thường không quan tâm đến việc ai lãnh đạo nền tảng mạng xã hội này.

Việc chuyển hướng của ông Musk từ quảng cáo sang mô hình đăng ký sẽ hiệu quả nếu Twitter vượt qua thời kỳ khó khăn này, khi doanh thu sụt giảm. Công ty có thể trụ lại bằng khả năng duy trì hệ thống hoạt động, tránh phạm luật liên quan đến bản quyền hay cáo buộc cho phép hiển thị nội dung kích động thù địch.

Ngoài ra, công ty cũng cần duy trì quan hệ tốt với Apple và Google, khi các ứng dụng Twitter trên điện thoại phụ thuộc vào các kho ứng dụng của hai ông lớn công nghệ này.

Quá trình chuyển giao cũng đặt thách thức cho ông Musk trước các sức ép từ chính khách, hay hai "gã khổng lồ" công nghệ Apple và Google.

Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra Twitter về khả năng vi phạm nghị định chấp thuận năm 2011 của công ty. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của châu Âu cũng cũng thể áp các giới hạn về lập trường “tự do ngôn luận” của Twitter.

Sức ép cho Elon Musk sẽ lớn hơn khi Twitter đối diện với giới lập pháp, hay những tập đoàn công nghệ mà nền tảng này phụ thuộc. Ảnh: Wired.

Trả lời New York Times tuần trước, ông Yoel Roth, cựu Giám đốc về niềm tin và sự an toàn của Twitter, người vừa rời công ty tháng trước, nhận định về viễn cảnh "thảm họa" nếu công ty không tuân thủ quy định từ Apple hay Google. Các cửa hàng ứng dụng của hai công ty này từng xóa những ứng dụng mạng xã hội không bảo vệ người dùng khỏi các nội dung độc hại.

Ông Roth cho rằng Twitter đã bắt đầu nhận những cuộc gọi từ hai tập đoàn công nghệ trên sau khi ông Musk tiếp quản công ty. Hồi cuối tuần qua, giám đốc của Apple app store Phil Schiller đã xóa tài khoản Twitter của mình.

Quan trọng nhất, mô hình kinh doanh mới của Twitter yêu cầu người dùng phải liên tục đầu tư vào nền tảng. Không chỉ duy trì người dùng cũ, ông Musk cũng cần thu hút thêm người mới, và phải đảm bảo chất lượng nội dung hiển thị.

Trong vài tuần kể từ khi nhà sáng lập Tesla và SpaceX tiếp quản Twitter, đã có nhiều thông tin về làn sóng người dùng bỏ nền tảng này, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là đã có sự sụt giảm lớn về người dùng hay chưa. Ông Musk tuyên bố rằng lượng người sử dụng nền tảng này đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Cho đến nay, Twitter vẫn hoạt động, dù nhiều nhân viên rời đi. Nhiều người dùng có thể vẫn sẽ ở lại với nền tảng này, thậm chí có thể nhiều hơn sau khi Elon Musk mở khóa cho nhiều tài khoản gây tranh cãi, những người thường khiến Twitter "sôi động hơn".

Bản thân ông Musk đã chỉ ra rằng ngay cả khi mọi người lo lắng về sự sụp đổ của Twitter, thì họ cũng đang thể hiện điều đó trên nền tảng này. Vị tỷ phú cũng đã đề xuất giải pháp cho những nhà sáng tạo dễ kiếm tiền hơn, qua đó có thể làm tăng lượt truy cập.

Dù vậy, sau tất cả, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng việc tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới mạng sẽ chuyển thành những tài khoản đăng ký trả phí hoặc những cách tăng trưởng doanh thu khác.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bac-kho-luong-cua-elon-musk-post1378580.html