'Canh bạc' của Công Phượng
Công Phượng đã rời Nhật Bản sau gần 2 năm cố gắng bám trụ tìm cơ hội ra sân. Tuy nhiên, Công Phượng trở về Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng mang lại nhiều nghi vấn về phong độ cũng như chất lượng thi đấu, bởi ấn tượng duy nhất mà anh để lại Nhật Bản là 'pha cà phê ngon'.Công Phượng - tiền đạo tài hoa một thời của bóng đá Việt Nam trước đây đã có chuyến xuất ngoại thứ ba không mấy thành công. Yokohama FC là Câu lạc bộ (CLB) Nhật Bản thứ 2 mà Công Phượng khoác áo. Nhưng chỉ hơn 1 năm, Công Phượng đã phải nói lời chia tay CLB này. Trong thời gian thuộc biên chế của Yokohama FC, Công Phượng có 3 lần ra sân với 1 lần đá chính, 2 lần dự bị với tổng cộng 85 phút thi đấu.
Nếu nói đến vấn đề được mất của Công Phượng, ngoài thu nhập thì anh đã đánh mất rất nhiều cơ hội khi thi đấu cho Yokohama FC. Trước hết, Công Phượng đã không còn chỗ đứng tại Đội tuyển Việt Nam. Ngay từ khi Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo còn dẫn dắt thì Công Phượng không còn là lựa chọn số 1 cho đội hình chính thức của Đội tuyển Việt Nam khi cầu thủ này vừa trở về từ châu Âu.
Dưới thời HLV Troussier, Công Phượng có một lần được triệu tập và ghi được 1 bàn thắng trong trận đấu với Palestine. Đó là bàn thắng đầu tiên của Công Phượng sau khi tịt ngòi 2 năm. Công Phượng cũng có một cơ hội thể hiện mình khác dưới thời HLV người Pháp nhưng do chấn thương, nên cầu thủ này đã không được triệu tập.
HLV Kim Sang-sik có lẽ đã không dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ không có nhiều thời gian thi đấu và ít được tập trung ở đội tuyển những năm gần đây nên Công Phượng đã không được gọi tên. Đây là điểm chung của nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại khi Quang Hải cũng đã rất chật vật để trở lại Đội tuyển Việt Nam sau thời gian bết bát tại Pháp. Văn Toàn cũng không ngoại lệ khi chỉ được triệu tập trở lại sau khi rời Hàn Quốc.
Sức ảnh hưởng của Công Phượng cũng phai nhạt rất nhiều đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Có thời điểm, người hâm mộ nghĩ rằng, cầu thủ người Nghệ An không còn quá thiết tha với bóng đá bởi gần như không có động thái gì để cứu vãn sự nghiệp khi không được chơi bóng tại Yokohama FC. Mặt khác, tin đồn về việc Công Phượng nhập tịch Nhật Bản cũng đã từng tạo nên những sóng gió nhất định về việc gắn bó với bóng đá Việt Nam của Công Phượng.
Công Phượng hiện đang được cho là sẽ về Việt Nam thi đấu nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức nào về đội bóng mà cầu thủ này sẽ đầu quân. Việc chiêu mộ Công Phượng ở thời điểm hiện tại sẽ là một “canh bạc” lớn đối với bất kỳ CLB nào. Bởi chi phí cho cầu thủ thuộc hàng tốp trước đây của bóng đá Việt Nam không phải là thấp. Dù phong độ còn bỏ ngỏ nhưng Công Phượng vẫn có thương hiệu nhất định với những thành tích trước đây anh có được. Nhưng việc ngồi ngoài quá lâu khiến cho phong độ cũng như tâm lý thi đấu của Công Phượng vướng nhiều hoài nghi.
Việc trở về Việt Nam thi đấu cũng là một “canh bạc” đối với Công Phượng. Bởi nếu tiền đạo này có thể thích nghi với đội bóng mới, thi đấu tốt thì việc lấy lại phong độ và tấm vé Đội tuyển Quốc gia sẽ quay trở lại. Ngược lại, Công Phượng sẽ tiếp tục có bước trượt dài trên chặng đường sự nghiệp của mình. Ở tuổi 29, Công Phượng đang ở lằn ranh giữa hai sườn dốc sự nghiệp và không còn quá nhiều thời gian cho cầu thủ này để theo đuổi nghiệp “quần đùi áo số”.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202409/canh-bac-cua-cong-phuong-1021549/