Càng trì hoãn Nord Stream-2, Mỹ càng lợi?

Thượng Nghị sĩ Nga cho rằng, Mỹ đang trì hoãn Nord Stream-2 càng lâu càng tốt để châu Âu sẽ phải bù đắp bằng LNG của Mỹ.

Thượng Nghị sĩ Nga Alexei Pushkov mới đây đã có bình luận về lý do Mỹ tìm cách ngăn cản mọi phương án châu Âu xây dựng dự án Nord Stream-2.

Mỹ cố sức ngăn Nord Stream-2 để bán thêm LNG?

Mỹ cố sức ngăn Nord Stream-2 để bán thêm LNG?

Theo ông Pushkov, nếu trì hoãn dự án lâu bao nhiêu, Mỹ càng có lý do để châu Âu - khi đang túng thiếu năng lượng vì Nord Stream-2 chưa hoàn thành - sẽ sẵn sàng mua tạm khí hóa lỏng LNG của Mỹ.

“Nếu dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 không được hoàn thành đúng kế hoạch, người châu Âu sẽ phải bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt bằng việc chi ra từ 8-24 tỷ euro cho việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Do đó, Mỹ cố gắng phá vỡ hoặc bằng mọi cách làm chậm quá trình hoàn thành dự án” - ông Pushkov nhận định.

Thực tế cho thấy, châu Âu dễ lâm vào tình huống túng thiếu khí đốt do các dự án năng lượng chậm trễ, đặc biệt là dự án Nord Stream-2.

Mới đây, nhà kinh tế và cựu nhân viên cấp cao của Tổng cục Kho bạc Pháp, Sebastian Koschar cho rằng nếu Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng khí đốt" nghiêm trọng vào mùa Đông tới.

Trong trường hợp này, theo ông Koshar, các nước châu Âu đối mặt với sự gián đoạn khí đốt, điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá đáng kể.

Dẫu vậy, ông Pushkov nhấn mạnh, khí hóa lỏng của Mỹ khó có thể giải quyết vấn đề này do chi phí quá cao.

Quốc hội Mỹ hiện đang lên kế hoạch đưa ra đạo luật mới để trừng phạt các công ty trên thế giới thực hiện hợp tác năng lượng với Nga trong dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2.

Dự thảo luật mới của Mỹ có thể sẽ xem xét tới việc xử phạt nghiêm khắc những cá nhân có liên quan tới đường ống khí đốt của Nga, đình chỉ các tài khoản ngân hàng của họ tại Mỹ, tạm ngừng cấp thị thực của các Giám đốc điều hành công ty và có thể trừng phạt "bất cứ thực thể nào" có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ đặt đường ống khí đốt cho Nord Stream-2 hoặc cho mọi đường ống phục vụ xuất khẩu khí đốt khác của Nga.

Dự luật được xây dựng bởi Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Đại diện từ phe Cộng hòa của bang Illinois Adam Kinzinger và Thượng nghị sĩ Jean Shaheen.

Thượng Nghị sĩ Ted Cruz nói: "Mỹ đơn giản là không thể cho phép Nga thống trị tương lai năng lượng của châu Âu. Tôi đang làm việc với các đồng nghiệp ở Thượng viện và với chính quyền để áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc xây dựng Nord Stream-2. Tôi kêu gọi Quốc hội khẩn trương thúc đẩy dự luật quan trọng này".

Thượng Nghị sĩ Jean Shaheen thì cho biết, dự án đường ống của Nga sẽ tạo ra các vấn đề "an ninh năng lượng" cho cả Mỹ và châu Âu "trong nhiều thập kỷ".

Dự luật hiện đang được xem xét trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Đây cũng là nỗ lực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump rất ủng hộ.

Mặc dù Mỹ đã công khai tuyên bố những lo lắng của mình về "các vấn đề an ninh năng lượng" của châu Âu do đường ống của Nga mang lại, giới phân tích cho rằng, ý đồ của Mỹ thực sự lại hoàn toàn khác.

Bernard L. Weinstein - Phó Giám đốc của Viện năng lượng Maguire - đánh giá, mức tiêu thụ năng lượng ở EU sẽ tăng 30% trong 6 năm tới. Đây là "cơ hội to lớn cho các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ".

"Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực buộc châu Âu phải mua khí dốt của Mỹ vì lý do an ninh nang lượng. Nhưng thị trường mới là yếu tốt lớn nhất thúc đẩy doanh số năng lượng" - ông Weinstein nhận định.

Và thật khó để tin rằng, Mỹ dễ dàng để lợi thế này tuột khỏi tay và trao nó cho Nga.

Tuy nhiên, có một thực tế mà các nghị sĩ Mỹ phải chấp nhận, đó là Nord Stream-2 đã được hoàn thành tới 70% và dù Mỹ có tung đòn trừng phạt thế nào, Nga và châu Âu vẫn bất chấp để thực hiện dự án.

Lệnh trừng phạt khi đó có thể gây hại hơn cho mối quan hệ Mỹ- châu Âu và thậm chí làm tổn thương ngành công nghiệp dầu khí của chính Mỹ khi các nhà nhập khẩu châu Âu quay lưng.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cang-tri-hoan-nord-stream-2-my-cang-loi-3383840/