Căng thẳng với Mỹ, TQ trầm lắng ở sự kiện công nghệ lớn nhất thế giới

Trái với mong đợi, đất nước có nền công nghệ phát triển thứ nhì thế giới hầu như không hề xuất hiện rầm rộ tại hội chợ CES đầu năm nay.

Theo APnews, Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) mỗi năm theo thông lệ sẽ là nơi thể hiện sức bành trướng của đất nước đông dân nhất thế giới với nhiều công nghệ đa dạng. Tuy nhiên, đầu năm nay, nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc có màn xuất hiện dè dặt bởi sức ép chiến tranh thương mại và lệnh cấm xuất khẩu từ Mỹ.

iFlytek giới thiệu công nghệ AI với nhiều tính năng mới. Ảnh: APnews.

iFlytek giới thiệu công nghệ AI với nhiều tính năng mới. Ảnh: APnews.

Năm ngoái, CEO của Huawei đã phát biểu tại CES 2018 về việc AT&T, nhà phân phối sản phẩm của hãng tại Mỹ hủy bỏ kế hoạch bán điện thoại Huawei. Nguyên do là bởi những lo ngại về vấn đề gián điệp do chính phủ Mỹ nêu ra. Năm nay, Meng Wangzhou, Giám đốc tài chính và là con gái của nhà sáng lập Huawei đã bị bắt tại Canada theo lệnh của giới chức Hoa Kỳ. CES năm nay tại Las Vegas không có sự xuất hiện các quan chức cấp cao của Huawei.

Theo SCMP, số doanh nghiệp Trung Quốc bỏ tiền mua gian trưng bày sản phẩm công nghệ giảm đi 20% so với năm ngoái. Trong khi đó, số doanh nghiệp Trung Quốc tham dự triển lãm chiếm 1/4 với hơn 4.500 người, nhưng không hề xuất hiện cái tên nào thuộc về các ông lớn công nghệ Trung Quốc.

Tại CES 2019, tập đoàn Baidu chỉ thuê 1 buồng nhỏ trưng bày, thay vì tổ chức một event hoành tráng giới thiệu phần mềm dành cho xe tự lái như năm ngoái. Bên cạnh đó, Alibaba lẳng lặng dựng 1 chiếc lều lớn bên ngoài để quảng bá sản phẩm và họp báo. Xiaomi hoàn toàn không có mặt.

Không một công ty công nghệ Trung Quốc nào trả lời rằng lý do của sự ảm đạm tại CES năm nay là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hiện tại, cả hai phía đều thỏa thuận "đình chiến" tạm thời và trong vòng 90 ngày sẽ không áp đặt mức thuế mới. Theo SCMP, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp và làm việc tại Bắc Kinh vào ngày 7 và 8/1 để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm Trung Quốc e dè khi xuất hiện tại CES năm nay. Ảnh: SCMP.

Theo APnews, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nếu không sớm kết thúc êm thấm, nền công nghệ Trung Quốc sẽ đi xuống như Nhật Bản thời kỳ "bong bóng kinh tế" năm 1991. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại CES thể hiện thái độ lạc quan về tương lai của nền công nghệ Trung Quốc.

"Nền công nghệ Nhật Bản đã từng có ảnh hưởng rất lớn tại Mỹ. Họ trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1991, tất cả mọi thứ đều tuột dốc không phanh. Nhưng, sự kiện đó đâu tồn tại mãi, Nhật Bản vẫn vượt qua và phát triển", Gary Shapiro, người đứng đầu Hiệp hội tiêu dùng hàng công nghệ Mỹ nhận xét.

Shapiro cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc bắt giám đốc tài chính Huawei không hề ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Trung Quốc. Người đứng đầu ban tổ chức CES không hề thừa nhận con số giảm dần của phía Trung Quốc tham gia sự kiện năm nay.

CES là nơi các ông lớn công nghệ Trung Quốc cạnh tranh với những đối thủ đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản trong việc tìm kiếm đối tác và phô diễn sức mạnh công nghệ.

Byton, công ty chế tạo xe điện Trung Quốc hậu thuẫn bởi Tencent vừa giới thiệu "giao diện xe tự lái trực quan nhất". Hệ thống tích hợp màn hình gắn vào tay lái. Bên cạnh đó, "Siri của Trung Quốc" iFlytek ra mắt hệ thống nhận diện giọng nói nâng cao và tính năng phiên dịch thời gian thật.

Nền công nghệ Trung Quốc vẫn có những điểm sáng bất chấp sức ép chiến tranh thương mại. Ảnh: SCMP.

Theo Kai-Fu Lee, cựu giám đốc phụ trách Google Trung Quốc thời Google vẫn chưa bị loại bỏ tại quốc gia này cho rằng nền công nghệ Mỹ-Trung có đặc tính bổ trợ lẫn nhau.

"Điểm mạnh của Mỹ là lực lượng chất xám chuyên sâu với đội ngũ nghiên cứu sinh, sinh viên, nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm. Trong khi Trung Quốc có thị trường và data rộng lớn, lượng nhân công chăm chỉ", Kai-Fu Lee nói.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn còn tiếp diễn, sự hợp tác chia sẻ công nghệ giữa hai đất nước chỉ là "giấc mơ đơn thuần. Kai-Fu Lee nhận định các công ty công nghệ Mỹ vẫn dành một mối quan tâm đặc biệt đến thị trường Trung Quốc.

"Google cho rằng Amazon là đối thủ lớn nhất. Vì thế, Tencent và Alibaba là hai đồng minh có nội lực tiềm tàng", Kai-Fu Lee chia sẻ.

Anh Thi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cang-thang-voi-my-tq-tram-lang-o-su-kien-cong-nghe-lon-nhat-the-gioi-post906662.html