Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động dây chuyền Domino, từ tác động đến thương mại dẫn đến tiền tệ, rồi tác động đến đầu tư, chứng khoán, công nghệ… cho nên chúng ta rất khó có thể dự báo và lường hết được những diễn biến, tác động bất ngờ mà nó mang đến.

6 tháng đầu năm 2018, hoạt động thương mại toàn cầu duy trì đà tăng trưởng nhưng đối mặt nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các đối tác lớn khác như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta và các nước trong khu vực.

Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Trưởng ban – Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia. Ảnh: Phùng Nguyên.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018

6 tháng đầu năm 2018 GDP cả nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), qua đó đãkhẳng định tính hiệu quả của những chính sách điều hành kinh tế và nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Chính phủ.

Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Trưởng ban – Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục so với nhiều năm gần đây, đóng góp cho sự tăng đột biến này phần quan trọng cần kể đến các doanh nghiệp như Fomosa và SamSung. Nhìn chung về góc độ cơ cấu các ngành có sự dịch chuyển khá tích cực, có sự giảm trong tỷ trọng khai khoáng, ngành than tiếp tục phục hồi, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên sụt giảm theo đúng kế hoạch.

Cơ khí chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), trong khi tăng trưởng điện thoại di động xuất khẩu gần như 100% là đóng góp của SamSung, nhờ vậy chúng ta liên tục xuất siêu, cán cân thương mại khu vực FDI tăng dư ở mức cao bù đắp cho cán cân khu vực trong nước.

Các chỉ số khác liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá đang có xu thế giảm giá, giảm 1,2 % trong đầu năm có thể do nhiều yếu tố, đặc biệt do thay đổi lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, khiến đồng tiền của Trung Quốc và nhiều nước mất giá so với đồng đô la của Mỹ.

Cũng theo TS. Đặng Đức Anh, lạm phát năm 2018 đang có xu hướng tăng lên, có nhiều nguyên nhân trong đó, đặc biệt là do tác động điều chỉnh mạnh giá các dịch vụ công trong đó có giá ngành hàng y tế từ năm 2017 tăng 46,14%. Sang năm 2018, CPI ngành hàng y tế điều chỉnh nhưng không mạnh như giai đoạn trước, trong khi đối với ngành hàng giao thông tăng gần gấp đôi do giá dầu thế giới điều chỉnh,

Lãi suất ngân hàng từ tháng 4-7/ 2017 có giảm, tuy nhiên, năm 2018 mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng lên thể hiện sự hiệu quả của việc thắt chặt hơn chính sách tiền tệ và lãi suất linh hoạt của chính phủ.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thách thức và dự báo

Về thách thức kinh tế thế giới trong 6 tháng cuối năm, TS. Đặng Đức Anh cho rằng do sức ép của đồng đô la ngày càng tăng và tăng trưởng của kinh tế Mỹ khả quan hơn trong năm nay, cộng thêm chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, những điều này sẽ có tác động đa chiều đối với Việt Nam, cả tác động tiêu cực lẫn tích cực, khiến cho sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn (tỷ giá, lạm phát).

Cộng thêm lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) mất dần, không có động lực mới bổ sung. Công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, trong khi tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh từ đầu nhiệm kỳ chưa thấy tác động rõ nét và nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn.

TS. Đặng Đức Anh đưa ra dự báo khá khả quan, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ chưa tác động rõ nét đến tình hình kinh tế việt Nam những tháng cuối năm, tăng trưởng vẫn sẽ ở mức cao nhưng có dấu hiệu mất đà, lạm phát, tuy nhiên cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động. Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn, vì thế đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu.

"Biểu đồ cho thấy dự báo tăng trưởng năm 2018 không khác gì mấy so với năm 2015, 2016; nếu ta không nhìn rõ động lực tăng trưởng năm 2019 thì sẽ có xu hướng quay lại động lực như những năm trước đó", TS. Đặng Đức Anh nhận định.

Còn TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia) lưu ý rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chính sách cải cách thuế tại Mỹ (điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%) cũng sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của công ty đa quốc gia nước này trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Cụ thể họ sẽ xem xét lại các chiến lược đầu tư ở Việt Nam hoặc có thể rút lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển hoạt động về Mỹ để hưởng thuế suất ưu đãi, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư của các công ty Mỹ tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam, chính vì vậy có thể tác động trực tiếp sẽ là không lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam từ các nước khác”.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Phùng Nguyên.

Một mặt khác, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động dây chuyền Domino, từ tác động đến thương mại dẫn đến tiền tệ, rồi tác động đến đầu tư, chứng khoán, công nghệ… cho nên chúng ta rất khó có thể dự báo và lường hết được những diễn biến bất ngờ, tác động lan tỏa này có thể rất lớn lan từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đó sẽ là một yếu tố gây khó khăn đến tình hình kinh tế những tháng cuối năm.

PGS. TS. Lưu Bích Hồ đưa ra dự báo về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đạt được ít nhất là 6,5 – 7%. Ông cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ giữ vững được đà tăng trưởng bằng cách tái cơ cấu nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào thay đổi cơ cấu để giữ được “nhiệt độ” xuất khẩu mặc dù có những khó khăn về thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp chế biến, chế tạo vừa ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Cộng thêm về du lịch “phải làm tới hơn”, nhất thiết phải cải thiện dịch vụ du lịch để tăng thu ngoại tệ. Tiếp đến là tập trung hơn nữa vào lĩnh vực xuất khẩu, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường trong bối cảnh chính sách bảo hộ của ông Trump. “Đặc biệt, chúng ta cần phải tránh một điều là không để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.”

PGS. TS. Lưu Bích Hồ cũng nhấn mạnh phải tập trung hơn nữa vào “tháo cởi” cho doanh nghiệp. Chính phủ cần phải ráo riết hơn trong việc chỉ đạo, giám sát các bộ ngành cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh một cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa.

Phùng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/cang-thang-thuong-mai-my-trung-va-du-bao-buc-tranh-kinh-te-viet-nam-355671.html