Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: 'Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết'

'Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc. Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ nhưng lại tiềm ẩn nhiều lo ngại, rủi ro...', đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phân bổ ngân sách TƯ.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN và kinh tế có nhiều điểm sáng.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Nguồn: quochoi.vn)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Nguồn: quochoi.vn)

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn đến năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Hiện ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

“Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc. Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ nhưng lại tiềm ẩn nhiều lo ngại, rủi ro...”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Ngoài ra, thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là những nguồn FDI không bền vững.

Theo đại biểu này, động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Tránh tình trạng "đời cha ăn mặn, đời con khát nước"

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và doanh nghiệp còn thấp, chưa phản ánh đúng sự phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, sự phân bổ chi ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa đúng quy định, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư vẫn còn diễn ra.

Đề cập đến các vấn đề liên quan đến giao dịch bất động sản như phát triển nhà ở cho người lao động thu nhập thấp hay đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, giải quyết quyền lợi giữa các bên chủ đầu tư, nhà thầu và người dân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan ngại trước tình trạng đầu cơ, thổi giá tại một số tỉnh, thành trọng điểm, gây nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế theo hiệu ứng domino như trước đây...

“Cần tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Trước những lo ngại trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-trau-bo-danh-nhau-ruoi-muoi-chet-2019103009193189.htm